Ngộ độc rượu - những điều cần biết
Nhằm giúp người tiêu dùng hạn chế tác hại của loại đồ uống có chứa cồn, đặc biệt là nạn ngộ độc hay trúng độc rượu, các chuyên gia Bệnh viện Mayo Clinic (Mỹ) vừa giới thiệu một số nguyên nhân gây ngộ độc rượu và các khuyến cáo cần thiết trong bối cảnh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ như hiện nay.
Ngộ độc rượu là gì?
Ngộ độc rượu xảy ra khi uống một lượng rượu lớn, cấp tập trong một thời gian ngắn, hay sử dụng rượu kém chất lượng dẫn đến say xỉn và nặng thì có thể gây hôn mê và tử vong. Ngộ độc rượu được chia thành hai nhóm là cấp tính và mạn tính. Cả hai dạng này đều rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, ngộ độc rượu còn do vô tình hoặc cố ý sử dụng loại rượu kém chất lượng có chứa độ cồn cao.
Triệu chứng
Ói mửa
Co giật, té ngã
Thở chậm (ít hơn 8 lần thở/ phút)
Thở không bình thường (thời gian giữa hai lần thở trên 10 giây)
Da xanh xao, nhợt nhạt
Thân nhiệt hạ và bất tỉnh ...
Nguyên nhân
Do rượu có chứa Isopropyl, hóa chất rất độc thường dùng để sát trùng, có trong kem bôi da hoặc trong một số sản phẩm vệ sinh, làm sạch
Do Methanol, thành phần dùng phổ biến trong công nghiệp như làm phụ gia chất chống đông lạnh, sơn và dung môi
Do Ethanol, một thành phần khá phổ biến có trong đồ uống, nước súc miệng và một số loại thuốc chữa bệnh. Tuy được dùng để pha chế đồ giải khát nhưng bản thân ethanol cũng là chất có thể gây độc hại, ức chế làm suy yếu hệ thần kinh trung ương, gây giảm hoạt tính các nơron thần kinh. Ngộ độc ethanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu sử dụng.
Mối nguy hại từ ngộ độc rượu
Không giống như thực phẩm phải mất thời gian để tiêu hóa, rượu được hấp thụ rất nhanh và tùy thuộc vào trọng lượng, sức khỏe thể chất, rượu ngấm nhanh hay chậm, phụ nữ dễ bị say và ngộ độc nhanh hơn đàn ông . Sau một lần uống, rượu được gan xử lý trong vòng 1 giờ. Một lần uống ở đây được xác định là 355 ml bia, 148 ml rượu vang hoặc 44 ml rượu mạnh. Đồ uống hỗn hợp có chứa nhiều thành hóa chất nên thời gian chuyển hóa lâu hơn. Mối nguy hiểm dẫn đến chết người khi trúng độc rượu là do rượu có chứa methanol cao, chất cồn công nghiệp rất độc hại. Khi uống vào methanol được chuyển hoá thành formaldehyde nhờ men alchoholdehydrogenase và sau đó chuyển tiếp thành formic acid nhờ men acetaldehyde dehydrogenase. Chính những chất này gây độc cho gan và thận, gây bệnh suy thận, viêm gan. Nhiễm độc methanol nặng có thể gây hôn mê, co giật, tụt huyết áp và tử vong nhanh chóng. Ngộ độc ethanol và methanol cũng có sự khác biệt, nhưng nói chung sau khi uống nạn nhân cảm thấy chóng mặt, lú lẫn, yếu cơ, nhức đầu, buồn nôn, nôn và đau bụng. Nếu là ethanol (quen gọi là nồng độ rượu % ethanol) thì say nhanh hơn và dễ phát sinh ra những biến chứng nguy hiểm.
Cách phòng ngừa và xử lý ngộ độc rượu
Để hạn chế nguy cơ say, trúng độc rượu thì không nên uống rượu khi đói, khi mệt, trời quá rét, quá nóng, sức khỏe kém, còn quá trẻ, phụ nữ hay người già, những người đang dùng uống thuốc chữa bệnh cũng không nên uống rượu. Nên ăn chút ít sau đó hãy uống rượu, khi uống nên uống từ từ, vừa ăn vừa uống chứ không nên cạn chén 100%. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì giới hạn một ngày đối với đàn ông không quá 3-4 đơn vị rượu, phụ nữ không quá 2-3 đơn vị rượu (đơn vị rượu được quy ra 100ml rượu vang đỏ hay 250ml bia). Nên chọn và dùng rượu có chất lượng, nếu không rõ nguồn gốc thì không nên dùng, nhất là các loại thuốc pha thảo dược mà người ta quen gọi là thuốc nam, thuốc bắc hay sản phẩm động vật.. Khi đã say nên tìm cách cho người say nôn hết, uống trà đặc hay uống nhiều nước trắng. Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa, có thể nằm úp xuống giường, hai tay đặt xuôi về phía sau, mặt nghiêng trái. Nếu suy hô hấp, co giật, thở không đều, đi đứng không vững, mắt mở, loạn nhịp tim phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. Trường hợp trúng độc tập thể thì nhất thiết phải cấp cứu, tìm ra nguyên nhân và có những biện pháp can thiệp kịp thời.
KN (Theo MC- 1/2012)
Ý kiến bạn đọc