Multimedia Đọc Báo in

Chính phủ đồng ý với mức tăng giá viện phí mới

08:20, 15/02/2012

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế ban hành tại Thông tư liên Bộ số 14/TTLB năm 1995 và một số dịch vụ ban hành năm 2006 của Bộ Y tế.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế làm việc với các bộ liên quan để ban hành văn bản trong khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3-2012; trong đó lưu ý công tác tuyên truyền cần thực hiện chủ động trước đối với cơ quan báo chí và người dân để tạo sự đồng thuận. Đồng thời, Bộ Y tế cần tính toán, bàn kỹ với Bộ Tài chính để bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế. Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu, đối với đối tượng nghèo, diện gia đình chính sách... vẫn duy trì đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để kiểm tra, kiểm soát tránh lợi dụng, lạm dụng Quỹ bảo hiểm y tế. Trong trường hợp mức đồng chi trả lớn cần nghiên cứu, có biện pháp hỗ trợ của Nhà nước để giúp các đối tượng trên giảm bớt khó khăn.

Theo thông tin trao đổi từ Bộ Y tế, thực tế mức thu dịch vụ khám, chữa bệnh hiện nay quá thấp, chưa được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, trong số khoảng 3.000 dịch vụ y tế đang thực hiện, có khoảng 350 dịch vụ được ban hành kèm theo Thông tư 14 từ năm 1995 đến nay đã 16 năm, khoảng 2.700 dịch vụ ban hành kèm theo Thông tư số 03 từ năm 2006 đến nay cũng đã 6 năm nhưng đều chưa được điều chỉnh. Nhiều dịch vụ chỉ thu bằng 30%-50% chi phí trực tiếp theo thời giá năm 1995, trong khi các yếu tố chi phí đầu vào để bảo đảm hoạt động của bệnh viện từ năm 1995 và năm 2006 đến nay tăng nhiều lần, tiền lương tối thiểu đã tăng 6,9 lần (từ 120.000 lên 830.000 đồng), mức đóng bảo hiểm y tế tăng (từ 3% lương lên 4,5% lương), chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố tăng khoảng 3,4 lần. Ngoài ra, nhiều khoản chi mới phát sinh theo yêu cầu phát triển của xã hội nhưng chưa được tính vào mức thu (chi phí xử lý chất thải; chi phí hấp sấy, tiệt trùng; duy tu, bảo dưỡng tài sản thiết bị bị xuống cấp nhanh)...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện nay, trên 60% dân số đã có thẻ bảo hiểm y tế, nếu không điều chỉnh giá thì bệnh viện không có nguồn kinh phí để thực hiện khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng dịch vụ cho người bệnh bảo hiểm y tế. Trước mắt chỉ điều chỉnh giá khám bệnh, ngày giường bệnh và các dịch vụ đã ban hành giá tại Thông tư 14 từ năm 1995 và một số dịch vụ đã ban hành giá từ năm 2006 nhưng đến nay đã quá lạc hậu. Việc điều chỉnh dựa trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí trực tiếp cần thiết để thực hiện dịch vụ, chưa tính khấu hao tài sản cố định, tiền lương, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị có giá trị lớn.

Bộ Y tế cũng cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế là một đòi hỏi thực tế, khách quan, nếu được thực hiện sẽ tác động đến một số đối tượng trong xã hội nhưng cũng mang lại một số hiệu quả kinh tế - xã hội. Cụ thể, đối với người bệnh sẽ được thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn do bệnh viện có kinh phí để phục vụ người bệnh tốt hơn; BHYT thanh toán mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh có thẻ BHYT đối với các dịch vụ mà trước đây giá thấp, bệnh viện phải thu thêm của người bệnh phần quỹ BHYT không thanh toán. Đối với cơ sở y tế, các bệnh viện sẽ có kinh phí để thực hiện dịch vụ, duy tu bảo dưỡng trang thiết bị, buồng bệnh góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ; thúc đẩy xã hội hóa y tế; tạo điều kiện để các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến dưới có kinh phí để phát triển kỹ thuật, triển khai các kỹ thuật mới, đưa dịch vụ y tế về gần dân...

K.O (nguồn chinhphu.vn)
 


Ý kiến bạn đọc