Multimedia Đọc Báo in

Ngăn chặn khẩn cấp dịch bệnh hoành hành

16:25, 13/02/2012

Đầu năm nay, nguy cơ bùng phát trở lại của các dịch bệnh đang gây hoang mang trong dư luận. Trước mắt, dịch cúm A/H5N1 (cúm gia cầm) đang được Bộ Y tế khuyến cáo ngăn chặn khẩn cấp tránh lây sang người.

Loạn... dịch

Dịch bệnh tay chân miệng khiến gần 113.000 người mắc tại 63 tỉnh thành và 169 ca tử vong trong năm qua vừa tạm lắng xuống thì đầu năm 2012, từ trong Nam lẫn ngoài Bắc lại liên tiếp ghi nhận thêm một số trường hợp tử vong do dịch cúm A/H5N1 và dịch viêm não mô cầu. TS Lê Hoàng San, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết, cả năm 2011 không có ca mắc và tử vong nào do cúm A/H5N1 nhưng chỉ mới một tháng đầu năm 2012 đã ghi nhận 2 ca tử vong liên tiếp là một điều bất thường và quan ngại. Công tác giám sát dịch cúm A/H5N1 vẫn được thực hiện thường xuyên và liên tục trong các năm qua, cụ thể là những ca bệnh sốt cao có nghi ngờ tiếp xúc với gia cầm đều được làm các xét nghiệm tìm vi rút cúm; công tác thu thập, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm trong điều tra dịch tễ cũng được tuân thủ. Tuy vậy, thực tế dịch cúm A/H5N1đang hoành hành trở lại khi mới đây Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) thông báo nhiều đàn gia cầm đã mắc bệnh cúm và thậm chí đã xuất hiện tình trạng gia cầm kháng với vắc xin tiêm ngừa.

Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cúm A/H5N1 lây từ gia cầm, thủy cầm nhiễm vi rút cúm A/H5N1 sang người. Đây là vi rút có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao. Tại thời điểm này, tỷ lệ tử vong do cúm A/H5N1 trên người là 100% trong số ca bệnh được phát hiện, mặc dù bệnh nhân được điều trị thuốc kháng vi rút. TS Lê Hoàng San khẳng định cúm gia cầm vẫn đang lưu hành rộng và với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức của người dân còn hạn chế, cơ chế lây truyền của cúm gia cầm sang người vẫn chưa biết rõ nên khả năng xuất hiện dịch cúm A/H5N1 trên người rất cao.
Cùng với cúm A/H5N1, dịch viêm não mô cầu đã lây lan từ đầu năm 2012 và đến nay Bộ Y tế ghi nhận 9 trường hợp mắc và 1 trường hợp tử vong. Trước đó, từ tháng 1 đến hết tháng 11-2011 chỉ có 82 ca mắc viêm não mô cầu và không có ca tử vong. Trong khi đó, đại dịch cúm A/H1N1 vẫn lưu hành mạnh mẽ khiến 427 ca mắc và 11 ca tử vong trong năm qua. Các chuyên gia y tế dự phòng nhận định, một đại dịch cúm A/H1N1 như năm 2009 sẽ xảy ra là khó tránh khỏi trong điều kiện hiện nay, khi châu Âu đang chìm trong mùa đông lạnh giá và Mexico cũng đang đối mặt với dịch cúm này quay trở lại.

a
Cảnh báo dịch cúm A/H5N1 đang lan rộng nhưng hoạt động giết mổ gia cầm sống vẫn diễn ra tràn lan tại các chợ. Ảnh minh họa

Chủng cúm mới nguy hiểm

Bộ Y tế vừa xác nhận đã có sự xâm nhập của chủng vi rút cúm Sotr_A/H3N2 tại khu vực phía Nam. Đây là một chủng cúm được tái tổ hợp giữa cúm A/H1N1 đại dịch năm 2009 và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn. Theo Bộ Y tế, đã có 10 ca mắc vi rút cúm mới, nhưng điều đáng lo ngại là có 3 ca gần đây nhất mắc bệnh mà không tiếp xúc với lợn. Điều này khiến các chuyên gia y tế nhận định không loại trừ khả năng cúm A/H3N2 có thể lây từ người sang người. Một chuyên gia cho biết, vi rút mới là tái tổ hợp từ cúm A/H1N1 nên đã mang gene của người, rất có khả năng lây truyền dễ dàng. Nếu độc lực cao thì sẽ rất nguy hiểm.

Trước tình hình trên, TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định, diễn biến các dịch bệnh, nhất là dịch cúm đang phức tạp. Do đó, mục tiêu là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh dịch truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh. Các địa phương, tùy tình hình thực tế mà bổ sung hoạt động của ban Chỉ đạo chống dịch từ tỉnh đến xã, thường xuyên nắm thông tin và có biện pháp chống dịch kịp thời. Tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác chống dịch. để giảm tỷ lệ mắc, các địa phương phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm; tổ chức tuyên truyền, túc trực 24/24 trong thời gian xảy ra dịch… Còn để giảm tử vong, phải tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến; bổ sung phác đồ điều trị một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, phác đồ chống kháng; tổ chức thu dung và điều trị kịp thời…

K.O (nguồn SGGP)
 


Ý kiến bạn đọc