Multimedia Đọc Báo in

Tăng giá dịch vụ y tế: Bảo hiểm xã hội tiếp tục duy trì đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo

17:28, 15/02/2012

Sau gần 17 năm duy trì khung giá viện phí ban hành từ năm 1995, mới đây, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương tăng giá viện phí mới với 445 dịch vụ y tế do liên bộ Y tế - Tài chính - LĐ-TB-XH, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) đề xuất. Để bảo đảm quyền lợi cho người nghèo, đối tượng chính sách, BHXH Việt Nam tiếp tục duy trì đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh.

Năm 2012 chưa tăng mức đóng BHYT

Trong cuộc gặp gỡ báo chí vào chiều 14-2, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, việc tăng viện phí sẽ tác động mạnh đến nhóm bệnh nhân chưa có BHYT và người nghèo. Vì vậy, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, khi tăng viện phí, đối với nhóm người nghèo, diện gia đình chính sách thì vẫn duy trì đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT (từ mức 5% đến 20%). Trường hợp mức đồng chi trả lớn, cần nghiên cứu để có biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, giúp các nhóm này giảm bớt khó khăn. Chính phủ đề nghị có thể hoàn lại một khoản kinh phí trong số 5% phí khám bệnh bảo hiểm mà họ phải chi trả. Trong trường hợp mức chi trả quá 6 tháng lương cơ bản, những đối tượng khó khăn sẽ được hỗ trợ từ quỹ khám chữa bệnh dành cho người nghèo.

Người nghèo, đối tượng chính sách vẫn được hỗ trợ đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh. Ảnh:
Người nghèo, đối tượng chính sách vẫn được hỗ trợ đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh sau khi tăng giá viện phí. Ảnh: K.O

Hiện Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 139 để hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn trong chi trả viện phí, các đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, có chi phí điều trị lớn như: ung thư, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật tim…; đồng thời yêu cầu các bệnh viện trích một phần nguồn thu để lập quỹ hỗ trợ cho một số trường hợp khó khăn. Đối với người thuộc hộ cận nghèo (khoảng 6,6 triệu người), từ năm 2012, Chính phủ nâng mức hỗ trợ lên 70% mức đóng BHYT (thay vì 50% như trước đây) để khuyến khích đối tượng này tham gia BHYT. Ông Phạm Lương Sơn cũng khẳng định, việc thực hiện chính sách viện phí mới sẽ có lợi cho cả bệnh viện và người bệnh BHYT bởi mức giá mới sẽ được Quỹ BHYT thanh toán, chấm dứt tình trạng “phụ phí” mà bệnh nhân vẫn phải trả suốt thời gian qua. Đáng lưu ý là, năm 2010 và 2011, Quỹ BHYT tiếp tục kết dư gần 7.000 tỉ đồng nên trong năm 2012 sẽ chưa tăng mức đóng BHYT.

Người bệnh cùng giám sát mức thu viện phí mới

BHXH Việt Nam khẳng định, khi áp dụng giá viện phí mới, người bệnh sẽ không phải nộp thêm bất cứ khoản nào cho cơ sở khám bệnh.  Ông Phạm Lương Sơn cho rằng, thật là vô lý khi giá viện phí đã tăng đến mức tính đúng tính đủ mà bệnh viện vẫn thu thêm của người bệnh. Nếu thu vì dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu tự chọn của người bệnh là mang tính tự nguyện, nhưng cũng dịch vụ đó đã được trả viện phí ở mức tính đúng, tính đủ mà thu thêm tiền của người bệnh là vô lý.

Theo đó, để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, Tổng Giám đốc BHXH đã chỉ đạo phải thiết lập đường dây nóng sao cho thuận lợi để người dân phản ánh thông tin. Đồng thời, tổ chức nhiều kênh thu thập thông tin, đề nghị người dân thông tin đến cán bộ bảo hiểm khi bệnh viện có dấu hiệu không minh bạch. Ngoài ra, BHXH cũng sẽ đổi mới phương pháp giám định.  Nếu các cơ sở khám chữa bệnh vẫn lặp đi lặp lại việc thu thêm tiền của người bệnh,  gia tăng tiêu cực thì có thể bị BHXH áp dụng biện pháp xử lý mạnh là cắt hợp đồng KCB BHYT.

K.O (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.