Multimedia Đọc Báo in

Dịch tay chân miệng chưa giảm

14:46, 16/05/2012

Cuối năm 2011, Bộ Y tế khẳng định sang năm 2012 sẽ khống chế được hàng loạt dịch bệnh, trong đó có bệnh tay, chân, miệng (TCM), song đến nay dịch bệnh này vẫn cứ tăng.

Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 43.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 20 trường hợp tử vong. Con số này cao hơn khoảng 50% so với những tuần đầu năm và tương đương với thời điểm tháng 9, tháng 10 - 2011, khi bệnh TCM ở vào giai đoạn đỉnh dịch. Thực tế cho thấy đến thời điểm này, dù các địa phương và ngành chức năng hô hào tăng cường phòng chống, nhưng dịch bệnh TCM vẫn cứ cao, gây lo lắng trong cộng đồng.

Cũng theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, các trường hợp tử vong do bệnh TCM từ đầu năm 2012 đến nay đều dương tính với vi rút EV 71 (100%) và chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 86%). Bộ Y tế nhận định trong năm 2012, dịch TCM vẫn diễn biến phức tạp trên diện rộng với số ca mắc cao. Hiện nay, có nhiều tuýp vi rút gây bệnh nên một người có thể mắc nhiều tuýp vi rút khác nhau, đặc biệt là sự lưu hành của tuýp vi rút EV 71 dễ gây tử vong. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người lành mang trùng trong các ổ dịch cao tới 71%, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần trong khi đó, tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp.

Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách với xà phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh TCM hiệu quả. Ảnh: K.O
Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách với xà phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh TCM hiệu quả. Ảnh: K.O

Trên thực tế, dịch bệnh TCM diễn tiến phức tạp, nguy hiểm như vậy nhưng ngành Y tế vẫn không công bố dịch. Lý giải về điều này, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng không công bố dịch với lý do vì đây là dịch bệnh nhóm B nên thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND tỉnh. Khi có đủ 2 địa phương công bố dịch, Bộ Y tế mới công bố dịch trên toàn quốc.  Tuy nhiên, thực tế cho thấy, địa phương nào đánh giá được tình hình dịch bệnh và công bố đúng thời điểm sẽ khống chế dịch một cách hiệu quả. Một ví dụ điển hình đó là cuối năm 2011, mặc dù có tổng số ca mắc bệnh TCM thấp hơn so với nhiều địa phương khác trong cả nước, nhưng tỉnh Ninh Thuận đã công bố dịch. Sau đó, tỉnh đã chi 200 triệu đồng và Trung ương cấp thêm 7 tỷ đồng để thực hiện các biện pháp chống dịch nên đã nhanh chóng khống chế được dịch. Đánh giá sự việc này, một lãnh đạo của Bộ Y tế cho rằng đây là kinh nghiệm lớn cho các địa phương vì việc công bố dịch đúng thời điểm sẽ huy động được nhiều nguồn lực, nhân lực, hỗ trợ chuyên môn… để kiểm soát dịch tốt hơn.

Dịch đang chuyển dần ra phía Bắc
Theo Bộ Y tế, điểm khác biệt so với năm 2011 là dịch TCM có xu hướng tăng cao ở các tỉnh phía Bắc. Hải Phòng là địa phương nhiều nhất cả nước về số trường hợp mắc với trung bình mỗi tuần hơn 200 ca. Trong số 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ mắc TCM cao nhất nước thì có 6 tỉnh, thành phố ở miền Bắc, gồm: Hải Phòng, Bắc Kạn, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình và Vĩnh Phúc.

K.O (nguồn NLĐ)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.