Multimedia Đọc Báo in

Rau, quả ở Việt Nam vẫn an toàn

10:51, 22/05/2012

Sau khi có chỉ đạo về kiểm tra chất cấm trên rau, quả nhập khẩu và lưu thông trên thị trường, Cục Bảo vệ thực vật vừa chính thức có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát về kết quả kiểm tra chất cấm formaldehyde (thuốc ướp xác). Báo cáo cho biết, các loại rau lưu thông trên thị trường vẫn đảm bảo an toàn đối với chỉ tiêu về formaldehyde.

Ngay sau khi có thông tin về tình trạng lạm dụng formaldehyde để phun lên rau cải thảo tại Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã bổ sung formaldehyde vào danh mục chỉ tiêu cần kiểm tra đối với thực phẩm, nông sản có nguồn gốc thực vật. Đồng thời, đã giao trách nhiệm cho các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm soát chặt chẽ đối với thực phẩm, nông sản có nguồn gốc thực vật nhập khẩu, tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra rau quả nhập khẩu. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hai trung tâm kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật đã tổ chức thu thập 74 mẫu rau (gồm 25 mẫu cải thảo, 12 mẫu cải bắp, 30 mẫu súp lơ, 7 mẫu rau khác...) trên địa bàn TP. Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh,  trong đó có 22 mẫu có nguồn gốc từ Trung Quốc để phân tích hàm lượng formaldehyde. Kết quả, trong số 74 mẫu phân tích bằng phương pháp sắc ký lỏng cao áp của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) thì 10 mẫu có chứa formaldehyde từ 0,32-1,8mg/kg.

Trong khi đó, theo số liệu của Trung tâm an toàn thực phẩm Hồng Kông và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàm lượng formaldehyde tự nhiên trong rau, quả tươi biến động khoảng 3-60mg/kg. Do vậy, Hội đồng khoa học do Cục Bảo vệ thực vật tổ chức đã kết luận, hiện chưa phát hiện thấy việc lạm dụng formaldehyde trong sản xuất, kinh doanh rau tại Việt Nam. Các loại rau lưu thông trên thị trường vẫn đảm bảo an toàn đối với chỉ tiêu về formaldehyde.

K.O (nguồn VOV)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.