Multimedia Đọc Báo in

Bệnh hen và cách phòng ngừa

09:09, 12/09/2012

Hen là một trong những bệnh lý mãn tính đường hô hấp thường gặp nhất.  Trong những ngày này, tại khoa Nội tổng quát (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), có rất nhiều bệnh nhân nhập viện do mắc bệnh hen, nhất là những người già. Điều trị dự phòng là biện pháp tốt nhất, sẽ hạn chế được chi phí điều trị, giữ gìn được sức khỏe trong lao động và học tập.

Bệnh hen là bệnh viêm mạn đường thở kết hợp với tăng phản ứng của đường dẫn khí làm xuất hiện khò khè, khó thở, nặng ngực và ho, đặc biệt là về ban đêm hay sáng sớm. Các giai đoạn này thường kết hợp với giới hạn luồng khí lan tỏa, nhưng hay thay đổi theo thời gian thường có khả năng phục hồi tự nhiên hay sau điều trị.

Các yếu tố làm khởi phát cơn hen thường là súc vật có lông (chó, mèo, chuột), nấm mốc, phấn hoa, các hóa chất bảo quản thức ăn, thuốc xịt phòng, xịt muỗi, nước hoa, thuốc tẩy, một số hải sản, khói, bụi, thời tiết nóng hay quá lạnh, các bệnh đường hô hấp (cảm cúm, viêm mũi, họng). Các triệu chứng khó thở, khò khè, nặng ngực, ho thường xuất hiện đột ngột về đêm hay lúc gần sáng, tái đi, tái lại. Nếu không được điều trị đúng hen có thể chuyển thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây khó khăn cho điều trị. Hoặc có thể xảy ra cơn hen kịch phát làm bệnh nhân khó thở dữ dội, thậm chí ngừng thở. Một số người có thể có dấu hiệu báo trước như hắt hơi, sổ mũi,… lúc này dùng thuốc cắt cơn sẽ đem lại hiệu quả tốt.

Nếu thấy mình có các triệu chứng: ho, khò khè, nặng ngực về đêm hay gần sáng tái đi tái lại, thì nên đi khám tại khoa Nội (khoa hô hấp) để được chẩn đoán và điều trị. Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh hen thì ngoài việc điều trị bằng thuốc, cần chú ý đến việc tránh tiếp xúc với các yếu tố gây khởi phát cơn hen. Không tự ý dùng thuốc vì có một số thuốc, tuy có hiệu quả trong điều trị nhưng tác dụng phụ lại cực kỳ nguy hiểm, khi đã lạm dụng thì rất khó khắc phục. Không nên tự ý giảm liều điều trị khi chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Không nên lạm dụng thuốc cắt cơn, khi nhu cầu dùng thuốc cắt cơn tăng lên thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị.

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, cần tránh một số thức ăn có thể gây khởi phát cơn hen như tôm, sò lông, nhộng tằm, măng tre, giá đỗ, bia, rượu, cẩn thận khi ăn thức ăn lạ. Ngoài ra, cũng không nên ăn thực phẩm đóng hộp, thức uống lên men, rau cải ngâm dấm hoặc làm dưa chua, các loại trái cây khô đóng gói… Tất nhiên, không phải mọi thực phẩm trên đều cần phải kiêng, hãy theo dõi xem mình thường bị lên cơn hen khi dùng thực phẩm nào để phòng ngừa. Nếu có bệnh dạ dày kèm theo thì ngoài việc điều trị dạ dày cũng tránh những thức ăn kích thích dạ dày… Đặc biệt, ở trẻ nhỏ tránh cho bú nhiều quá có thể gây trào ngược dạ dày cũng làm khởi phát cơn hen. Hạn chế thức ăn đóng hộp, vì chất bảo quản cũng có thể gây nên cơn hen. Đối với người đang dùng thuốc cắt cơn, để giảm nhanh triệu chứng mệt, khó thở… nên uống thêm nước dừa, ăn chuối vì những thuốc này làm giảm kali.

Để phòng ngừa lên cơn hen, ngoài việc điều trị dự phòng, bệnh nhân cần tránh các yếu tố gây khởi phát cơn hen, không hút thuốc lá. Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sạch sẽ, kiểm soát tốt các bệnh nhiễm khuẩn. Thường xuyên tập thể dục (đi bộ, cầu lông, đạp xe…), chế độ dinh dưỡng hợp lý với đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Mang khẩu trang, che mũi khi đi ngoài trời gió, lạnh, mặc ấm vào mùa lạnh.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.