3 tháng cuối năm, tập trung giải quyết một số dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp
Với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây dịch, khống chế không để dịch lớn xảy ra, ngành Y tế đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm là tập trung giải quyết một số dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp trên địa bàn như: tay, chân, miệng; sốt xuất huyết và duy trì giám sát các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác.
Để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này, các biện pháp thực hiện được đưa ra, gồm: tham mưu cho chính quyền các cấp triển khai “Tháng cao điểm phòng chống bệnh tay chân miệng – sốt xuất huyết” bằng các hoạt động như tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường tại tất cả các xã, phường; tổ chức truyền thông dưới nhiều hình thức; phân công y tế thôn, buôn, cán bộ dân số truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thực hiện các biện pháp cách ly trẻ bệnh… Đối với các ca bệnh, ổ dịch khi phát hiện cần xử lý bằng Chloramin B 2% và tiến hành xử lý ổ dịch trong phạm vi 100 mét; xử lý triệt để diện rộng tại một số thôn, buôn trọng điểm của dịch bệnh bằng các biện pháp tổng hợp để đánh giá, theo dõi và có đề xuất các biện pháp phù hợp; giám sát ca bệnh, giám sát véc tơ, kịp thời có biện pháp phun hóa chất chủ động tại các vùng có nguy cơ.
Nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết tại khu vực có nguy cơ cao. |
Theo đó, Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để cách ly, điều trị tích cực, xử lý kịp thời, đúng quy định, quy trình của ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe đến hộ gia đình nhằm cải thiện và nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, chỉ đạo phòng chống dịch, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Sở Giáo dục – Đào tạo có trách nhiệm thông báo về diễn biến tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng, chống tại trường học; khuyến cáo các nhà trẻ, mẫu giáo thực hiện công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, thông gió các lớp học, khử khuẩn thường xuyên tại trường học; khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng phải tổ chức cách ly, cho trẻ nghỉ học trong 10 ngày, hướng dẫn cho bố mẹ đưa trẻ đến cơ sở y tế, đồng thời thông báo cho ngành Y tế để có biện pháp điều tra, xử lý…
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc