Những lý do không nên ăn thịt tái, thịt sống
Những món ăn tái, sống từ thịt gia súc, gia cầm, động vật hoang dã, tôm, cua, cá hay hải sản... rất đa dạng và là thực phẩm ngon miệng được nhiều người ưa dùng; nhưng mặt trái của những món ăn này lại rất nguy hiểm cho sức khỏe. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), mọi người không nên ăn thịt sống, thịt tái vì rủi ro nhiễm khuẩn và ký sinh trùng.
* Khuẩn Campylobacter: là loại khuẩn phổ biến gây bệnh từ thức ăn, đặc biệt là món thịt sống. Các triệu chứng thường gặp khi cơ thể bị nhiễm khuẩn này là sốt, nhức đầu, đau bụng; nặng hơn có thể bị tiêu chảy ra máu. Khi khuẩn Campylobacter thâm nhập vào máu sẽ gây ra nhiều biến chứng nan y, nếu nặng có thể gây tử vong. Các triệu chứng xuất hiện 2-5 ngày sau khi ăn thịt sống nhưng cũng có thể kéo dài từ 7-10 ngày.
* Khuẩn Salmonella: Theo thống kê có hơn 2.300 loại vi khuẩn thuộc dòng Salmonella, nhất là trong thịt, trong phân của các loài vật và gia cầm, thậm chí cả loài bò sát cũng mang theo loại khuẩn này. Một số loài vật được xem là ổ bệnh vì chúng mang khuẩn nhưng lại không bị bệnh, sau đó nhiễm sang cho con người. Nhiễm khuẩn Salmonella có thể gây bệnh chuột rút, nhức đầu, sốt, buồn nôn và tiêu chảy. Khi Salmonella xâm nhập vào máu, đe dọa trực tiếp tính mạng con người. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 8-72 giờ khi ăn thịt sống bị nhiễm bệnh, có thể kéo dài 4-7 ngày; truờng hợp bị nặng có thể gây nhiễm trùng huyết và dẫn đến tử vong. Biến chứng nhiễm khuẩn Salmonella thường thấy như viêm khớp, đau mắt và đau rát khi tiểu tiện, y học gọi đây là hội chứng Reiter (Reiter’s syndrome).
* Escherichia Coli: là một tác nhân gây bệnh rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Theo thống kê, có tới hằng trăm chủng E.coli và tất cả đều thuộc dạng nguy hiểm. Tiêu biểu có E.coli 0157:H7 hiện diện trong gia súc, gia cầm; nó có thể gây nhiễm từ thịt sống ngay trong lò giết mổ qua đường phân vào thịt. Ở những người có sức khỏe bình thường, khi bị nhiễm, E.coli 0157:H7 sẽ gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, gia tăng thân nhiệt, chuột rút và nếu nhiễm vào máu lại càng nguy hiểm hơn. Bệnh có thể nặng hơn ở trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và ở những người mà hệ miễn dịch yếu. Độc tố verotoxin có trong khuẩn E.coli 0157:H7 làm dung huyết, hủy hoại niêm mạc ruột gây tiêu chảy có máu, làm hư thận, đồng thời làm giảm lượng nước tiểu, gây nên hội chứng HUS (Hemolytic Uremic Syndrome): nhẹ thì phải lọc thận suốt đời và nặng có thể gây tử vong.
* Khuẩn Shigella: lan truyền từ những người chế biến thực phẩm không rửa tay sạch sẽ, hoặc dao thớt bẩn, nhiễm trùng sau đó truyền vào các món thịt sống như nem, gỏi... Khuẩn Shigella hiện diện nhiều trong các loại thịt gia súc, gia cầm, trong món salát, trong sữa và là thủ phạm gây bệnh lỵ, tiêu chảy. Triệu chứng phát hiện ra sau khi ăn một vài ngày là đau bụng quặn, sốt nóng, tiêu chảy ra máu. Khỏi bệnh sau 5-7 ngày, nhưng ở trẻ dưới 2 tuổi có thể gây nguy kịch, có thể bị động kinh và co giật. Một số người bị nhiễm không phát bệnh nhưng lại lây truyền sang cho người khác.
* Ký sinh trùng: Các loại ký sinh trùng phổ biến truyền từ thịt sống sang cho người gồm giun xoắn, giun tròn, giun Anisaxis simplex, trichinella spiralis, giun đầu gai, sán lá nhỏ, sán lá lớn, sán lá phổi và sán dãi heo. Ngoài ra khi ăn thịt tái sống có thể bị nhiễm nhiều loại bệnh khác do ký sinh trùng gây nên, nhất là bệnh viêm màng não... Các triệu chứng gây bệnh do ký sinh trùng gồm nhức đầu, đau bụng, nôn ói, đau cơ bắp và sốt.
Giải pháp: Nhằm hạn chế ngộ độc thực phẩm mọi người không nên ăn tiết canh, thịt sống, thịt tái, nem gỏi,… vì những loại thực phẩm chưa được chế biến kỹ. Theo quy định thì thịt súc vật nên nấu chín ở mức trên 165 độ F (74 độc C ), thịt lợn trên 160 độ F (71 độ C) , thịt bò, thịt cừu, thịt bê, hải sản nên nấu trên 145 độ F (63 độ C) và thị lợn muối trên 140 độ F (60 độ C)... Khi chế biến thịt nên vệ sinh tay sạch sẽ, không nên để chung các loại thực phẩm tươi sống với nhau; thịt chưa dùng nên bảo quản trong tủ lạnh với mức nhiệt độ thích hợp (thường từ + 4 độ C cho tới - 18 độ C). Trường hợp mắc bệnh sau khi bị ngộ độc, nhất là tiêu chảy nên chờ một hay hai ngày nếu không khỏi thì cần đưa đi bác sĩ, đặc biệt khi thấy có triệu chứng như sốt trên 38 độ C, phân có máu, nôn ói liên tục, mất nước và tiêu chảy kéo dài trên 3 ngày.
Khắc Nam
(Theo eHow-10/2012)
Ý kiến bạn đọc