Multimedia Đọc Báo in

4 ngộ nhận khi tiêm vắc xin cho trẻ

10:40, 16/11/2012

Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng liên tục tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ song nhận thức của các bậc phụ huynh về lĩnh vực này còn giới hạn, dẫn đến sự ngộ nhận, thậm chí cả những việc làm trái với quy định của chuyên môn. Đề cập về vấn đề này, Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) vừa cập nhật một số giải thích giúp mọi người hiểu sâu hơn về lợi ích của tiêm phòng vắc xin.

Tiêm vắc xin thực sự không cần thiết?

Quan niệm trên hoàn toàn sai lệch, bởi lẽ đến nay mới chỉ có bệnh đậu mùa là căn bệnh được con người chế ngự, còn những căn bệnh khác như ho gà, sởi, vẫn tiếp tục hoành hành khắp nơi, nhất là ở những quốc gia đang phát triển. Ngoài ra bệnh bại liệt cũng phát triển mạnh ở các nước nghèo, nó có thể lây lan bất cứ khi nào qua con đường du lịch quốc tế. Vì vậy việc tiêm phòng vắc xin là điều cần thiết.

Tiêm phòng vắc xin quá nhiều, quá sớm sẽ  nguy hiểm cho sức khỏe trẻ nhỏ?

Đây là một ngộ nhận sai lầm dựa vào những gì mà các bậc cha mẹ nhìn thấy bởi trẻ nhỏ phải tiêm phòng rất sớm lại tiêm nhiều mũi. Theo các chuyên gia ở Phân ban Điều trị bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Đa khoa Philadelphia (Mỹ) thì việc tiêm phòng sớm, tiêm nhiều mũi cho trẻ sơ sinh là việc làm cần thiết mà không hề ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, kể cả sức khỏe thần kinh, trí nhớ hay phát triển thể chất mà ngược lại giúp cho cơ thể trẻ chống chọi được bệnh tật, tăng cường sức khỏe hệ thống miễn dịch, tấn công hiệu quả các môi chất gây bệnh trong môi trường xung quanh như vi khuẩn, virút có trong thức ăn, đồ uống, trong nước, không khí, thậm nhập qua da, đường hô hấp.... Qua nghiên cứu, các chuyên gia ở Đại học California (Mỹ) đã phát hiện thấy cơ thể của trẻ có thể hưởng ứng an toàn với trên 100.000 loại vắc xin khác nhau trong cùng một lúc. Vì vậy CDC khuyến cáo có thể tiêm vắc xin phòng ngừa tới 14 loại bệnh khác nhau trong giai đoạn 2 năm đầu đời của trẻ nhỏ.

Vắc xin phòng bệnh sởi quai bị và rubella (MMR) có thể gây bệnh tự kỷ?

Lời đồn đại này có từ năm 1998 khi bác sĩ Andrew Wakefield người Anh và các cộng sự của ông công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí y học The Lancet  ở 12 trẻ nhỏ, 8 trong số này bố mẹ của chúng nghi rằng con họ có những hành vi bất thường do tiêm chủng vắc xin MMR. Bài báo nói trên đã gây hoảng loạn trong cộng đồng, làm cho việc tiêm phòng vắc xin giảm hẳn và hậu quả bệnh sởi tăng đột biến. Đầu năm 2002, Ban biên tập tạp chí nói trên chính thức gỡ bỏ bài báo này và cho biết thông tin trên không chính xác. Ngoài ra còn có rất nhiều nghiên cứu khác, kể cả các nghiên cứu công bố trên hai tạp chí tiếng tăm Journal of the American Medical Associationthe British Medical Journal đều thừa nhận việc gia tăng bệnh tự kỷ không liên quan gì đến vắc xin MMR. Một trong số những nghiên cứu quy mô và dài kỳ nhất được công bố trên tạp chí New England Journal of Medicine  số ra 2002 được thực hiện ở 537.000 trẻ em cũng phát hiện tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ ở nhóm trẻ được tiêm phòng vắc xin và nhóm không tiêm phòng vắc xin giống nhau và như vậy rủi ro tăng bệnh tự kỷ ở trẻ không phải lỗi tại vắc xin. Viện Y học, Viện Hàn lâm Nhi khoa, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cùng một số cơ quan y tế lớn khác của Mỹ cũng đã đưa ra kết luận chính thức, vắc xin MMR không phải là thủ phạm gây bệnh tự kỷ.

100% vắc xin là an toàn?

Giả thiết này hoàn toàn có cơ sở, bởi cũng giống như khi con người tham gia giao thông, không ai dám chắc là an toàn 100%. Phần lớn các loại vắc xin là tiêm qua da, có thể gây đau, tấy đỏ, đau cục bộ; ngoài ra còn có những tác dụng phụ hiếm gặp khác như gây sốt, khóc dai dẳng, cá biệt cũng có thể gây phản ứng phụ nghiêm trọng, nhất là những trường hợp dùng vắc xin rotavirus thế hệ cũ, gây bệnh lồng, tắc ruột. Tuy nhiên, so với tiêm phòng vắc xin việc không tiêm phòng còn nguy hiểm hơn.

Khắc Nam

(Theo MHND-10-2012)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.