Multimedia Đọc Báo in

Biện pháp phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt

11:09, 26/06/2013

Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng bệnh lý xảy ra khi hàm lượng Hemoglobin trong máu xuống thấp hơn giới hạn bình thường. Sắt là thành phần chính của tế bào máu đỏ, giúp vận chuyển oxy tới các cơ quan và não bộ. Sắt cần cho quá trình tăng trưởng các mô (tổ chức, cơ quan) và tăng khối lượng hồng cầu. Thiếu sắt là nguyên nhân gây thiếu máu. Trung bình mỗi ngày cơ thể cần 10mg sắt đối với nam và 15mg đối với nữ, nhu cầu này tăng khi phụ nữ có thai, trẻ nhỏ và trẻ đang tuổi lớn.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, tình trạng thiếu máu do thiếu sắt xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng xảy ra nhiều nhất là ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trẻ em dưới 5 tuổi (34,1%).

Nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu sắt là trong bữa ăn hằng ngày của người Việt Nam chưa cung cấp đủ lượng sắt cho cơ thể. Mỗi ngày cơ thể chỉ được cung cấp một lượng sắt rất ít từ bữa ăn, hoàn toàn không thể đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể.

Đối với trẻ em, các nguyên nhân gây thiếu máu do thiếu sắt là do không được bú mẹ đầy đủ; trẻ sinh thiếu tháng; trẻ sinh đôi, sinh ba; thức ăn bổ sung của trẻ nghèo dinh dưỡng (thường là bột gạo mà sắt trong bột gạo khó hấp thu, ít trứng, thịt, rau xanh và trái cây chín...); hoặc cho trẻ ăn dặm quá sớm.

Đối với người lớn, đặc biệt là đối với phụ nữ trong những năm đầu có kinh nguyệt do cấu tạo tử cung và nội tiết tố chưa hoàn chỉnh nên thường xảy ra hiện tượng cường kinh, làm cơ thể phụ nữ bị mất nhiều máu. Phụ nữ có thai bị thiếu máu vì cần máu cho nhau, thai nhi và tăng khối lượng máu của người mẹ.

Biểu hiện khi cơ thể bị thiếu máu do thiếu sắt:

Đối với phụ nữ trong những năm đầu tuổi dậy thì, mất máu đều đặn hằng tháng và thêm những biến đổi mới lạ về sinh lý dẫn đến tình trạng uể oải, học hành chậm, kém tập trung, làm việc chóng mệt mỏi... Thiếu sắt kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu, ở mức độ nhẹ cơ thể thấy mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung; mức độ nặng hơn sẽ bị hoa mắt, khó thở khi làm việc gắng sức, dễ mắc các bệnh cảm cúm, da xanh xao, niêm mạc mắt, lòng bàn tay nhợt nhạt...

Biện pháp phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt:

Cần bổ sung những loại thực phẩm giàu sắt như: tim, gan, thận, trứng, thịt bò, cá thu, cá ngừ, vừng, đậu đỗ các loại...

Để phòng thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ trước tiên cần phải phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt ở người mẹ. Có chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ các thành phần dinh dưỡng; trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung hợp lý.

Đối với phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ nên uống bổ sung thêm viên sắt theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Phác đồ bổ sung viên sắt như sau: phụ nữ không có thai mỗi tuần uống 1 viên vào ngày nhất định, uống liên tục trong 4 tháng/năm; phụ nữ có thai cần uống 1 viên hằng ngày trong suốt thời kỳ mang thai và sau thời gian đẻ 1 tháng.

Tăng các thức ăn giàu vitamin C như rau xanh, quả chín vì vitamin C giúp tăng cường sự hấp thu sắt.

Không uống cà phê, trà, sữa trong bữa ăn vì nó làm hạn chế sự hấp thu sắt.

Bên cạnh đó, mỗi cá nhân nên tẩy giun định kỳ để phòng chống giun sán.

Vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, môi trường xung quanh nhà sạch sẽ. Các công trình nước sạch, nhà vệ sinh cần được xây dựng, sử dụng hợp vệ sinh.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.