Phòng ngừa mòn răng
Cùng với bệnh sâu răng, mòn răng là một tổn thương tổ chức cứng hay gặp trong các bệnh răng miệng, là một nguyên nhân quan trọng gây phá hủy mô răng. Mòn răng gặp ở mọi lứa tuổi. Các răng bị mòn gây mất cấu trúc về giải phẫu và dễ gây các hiện tượng giắt thức ăn vào khe răng, tổn thương lợi, viêm nha chu, cuối cùng răng bị tiêu xương, tụt lợi, lung lay và mất răng.
Nguyên nhân gây mòn răng:
- Mòn răng cơ học như nghiến răng, chải răng quá mạnh; mòn răng hóa học xảy ra khi bề mặt men răng tiếp xúc với dung dịch có tính axít lâu dài gây mất cấu trúc của răng. Một số thói quen ăn uống có thể làm gia tăng mòn răng như thói quen ăn thức ăn xơ, cứng...
- Hay bị nôn và trào ngược dạ dày là nguyên nhân phổ biến nhất gây mòn mặt trong răng cửa trên.
-Nghiện rượu có thể gây mòn răng do tăng nguy cơ gây trào ngược axít dạ dày.
- Ăn trái cây có vị chua gây mòn răng ở mặt ngoài răng cửa trên. Vị trí và mức độ trầm trọng của mòn răng liên quan trực tiếp đến cách sử dụng thức ăn có tính axít, độ axít và thời gian tiếp xúc.
- Tiếp xúc với axít như: Hơi và bụi nước có tính axít ở các nhà máy sản xuất ắc quy, chì sẽ ảnh hưởng đến mặt ngoài của răng cửa. Nước ngọt có ga, nước khoáng là những loại nước có tính axít (PH thấp) làm gia tăng độ mòn của răng. Bất cứ loại thuốc nào có PH có axít và tiếp xúc thường xuyên với bề mặt răng có thể gây mòn như viên Vitamin C nhai và viên Aspirin nhai.
- Những yếu tố di truyền gây loạn sản tổ chức cứng của răng ảnh hưởng đến số lượng men hoặc chất lượng canxi hóa làm men mỏng và bở hơn. Điều này sẽ làm giảm sức kháng mài mòn và làm tăng thêm sự mất chất bề mặt của răng do nguyên nhân hóa học hoặc cơ học. Loạn sản di truyền có thể ảnh hưởng cả hệ răng sữa và răng vĩnh viễn, khiến răng có màu nâu hoặc xám đục đặc trưng. Liên kết cấu trúc răng yếu, gây mất men sớm, mòn nhanh và dễ bị sâu răng.
Các kiểu mòn của các loại răng:
Răng hàm: Có thể bị mòn ở các hố rãnh mặt nhai hoặc mặt trong, ngoài. Mặt nhai thường mòn tạo hình chén hoặc miệng núi lửa, khi mòn nhiều thì ở giữa thường có màu vàng sẫm (màu ngà răng) xung quanh có viền trong (bờ men răng).
Răng cửa: Mòn ở rìa cắn do thói quen cắn đinh ghim, nắp chai…Mòn ở mặt trong răng thường gặp do hay bị nôn và mặt ngoài do tiếp xúc với bụi hoặc hơi nước có axít.
Cổ răng và răng hàm có thể bị mòn thành khía rãnh có hình chữ V ở mặt ngoài, gây nên ê buốt và có thể tiến triển gây viêm tủy răng. Nguyên nhân thường là chải răng không đúng phương pháp.
Cách phòng và hạn chế mòn răng:
Để phòng ngừa mòn răng không nên ăn những thức ăn quá cứng, vì có thể gây mòn răng cơ học rất mạnh. Cần phải có bảo hộ lao động đối với những người phải tiếp xúc với hơi axít như nhà máy sản xuất ắc quy chì, nhà máy hóa chất hay công nhân ở nhà máy rượu vang.
Tránh sử dụng dưới dạng nhai hoặc ngậm lâu ở miệng những thuốc có tính axít ascorbic, acetylsalicylic, các thuốc bổ chứa sắt.
Tránh các nguyên nhân gây nôn hoặc trào ngược dịch vị, nghiện rượu, trầm cảm do stress. Tác dụng phụ của thuốc hoặc lạm dụng thuốc dẫn đến kích thích niêm mạc dạ dày gây trào ngược.
Điều trị tật nghiến răng, đây là nguyên nhân gây mòn khuyết cổ răng. Trong những trường hợp răng bị lệch lạc, không thẳng hàng cần phải đi khám để được tư vấn nắn chỉnh cho các răng được ngay ngắn và tạo nên sự ăn khớp của hai hàm được tốt, tránh gây mòn quá mức ở một số vị trí của hàm răng.
Điều trị mòn răng phụ thuộc vào nguyên nhân gây mòn, mức độ nặng nhẹ, sự lan rộng của tổn thương, tuổi, sự hợp tác của người bệnh và tính nhạy cảm của răng.
Nên thường xuyên đi khám kiểm tra sự tái khoáng của mô răng theo định kỳ 3 tháng lần. Sử dụng các chất súc miệng có tính kiềm hoặc trung tính, uống sữa hoặc nhai kẹo cao su loại không đường sau mỗi bữa ăn là việc làm có lợi để tránh mòn răng. Nếu có vấn đề trào ngược dịch vị, nên đeo máng nhai vào những thời điểm có nguy cơ cao để giảm tổn thương răng. Cần phải điều trị các răng bị nha chu, viêm tủy, phục hồi làm dài thân răng hoặc nắn chỉnh do răng mòn quá mức.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc