Multimedia Đọc Báo in

Tác dụng chữa bệnh của cây nhàu

08:03, 12/07/2015
Cây nhàu thường được người dân trồng trong vườn để làm thuốc, có tên khoa học: Morinda citrifolia L., họ Cà phê (Rubiaceae).
 
Cây nhàu cao chừng 4 – 7m, thân nhẵn, có nhiều cành to, lá mọc đối hình bầu dục, nhọn ở đầu, dài 12 – 15 cm. Hoa nở vào tháng 1 – 2, quả chín vào tháng 7 – 8. Quả hình trứng có da sần sùi, dài chừng 5 – 6 cm, khi non có màu xanh nhạt, khi chín có màu mỡ gà, mùi nồng và cay. Ruột quả có một lớp cơm mềm ăn được, chính giữa có một nhân cứng. Bộ phận dùng làm thuốc: Quả, rễ, lá, hạt của cây nhàu

Theo đông y, quả nhàu có tác dụng nhuận tràng làm thuốc điều kinh, trị băng huyết, bạch đới, ho cảm, hen, thũng, đau gân, đái đường, chữa lỵ, hỗ trợ hệ miễn dịch, chống viêm. Rễ nhàu có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, làm êm dịu thần kinh, giảm đau nhức, hạ huyết áp, nhuận tràng và lợi tiểu. Lá nhàu có tác dụng làm tăng lực, hạ sốt, điều hòa kinh nguyệt (giã nát đắp chữa mụn nhọt, mau lên da non hoặc sắc uống chữa đi lỵ, chữa sốt và làm thuốc bổ). Vỏ cây nhàu dùng nấu nước cho phụ nữ sau khi sinh uống bổ máu.

Dưới đây là một số bài thuốc với cây nhàu:

-Chữa nhức đầu kinh niên, đau nửa đầu: Rễ nhàu 24g, hạt muồng trâu 12g, cối xay 12g, rau má 12g, củ gấu (sao, tẩm) 8g. Đổ nửa lít nước, sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày, uống lúc thuốc còn nóng.

-Chữa đau lưng, nhức mỏi, tê bại: Rễ nhàu chặt nhỏ phơi khô, sao vàng (chừng 1/2 kg), ngâm với 2 lít rượu 450 trong vòng nửa tháng, trước bữa ăn uống một ly nhỏ.

-Chữa huyết áp cao: rễ nhàu thái nhỏ phơi khô, mỗi lần 30 - 40 g nấu đậm uống thay nước cả ngày. Sau một đợt uống từ 10 - 15 ngày, kiểm tra lại, nếu huyết áp giảm, bớt lượng rễ nhàu từ từ và uống liên tục trên 2 tháng, huyết áp sẽ ổn định.

-Chữa lỵ, tiêu chảy, cảm sốt: lá nhàu tươi 3-5 lá tươi rửa sạch nấu với nửa lít nước còn 200ml chia 2 lần uống/ngày. Uống liên tục 3-5 ngày.

.-Chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh, huyết áp cao: Rễ nhàu 24g, Thảo quyết minh (sao thơm) 12g, rau má 8g, thổ phục linh 8g, vỏ bưởi 6g, gừng củ 3 lát. Đổ nửa lít nước, sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong một ngày (uống nóng).

-Chữa rối loạn kinh nguyệt ở người cao huyết áp: Quả nhàu 20g, ích mẫu 20g, hương phụ (củ gấu) tẩm dấm sao 12g, cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

-Chữa đau lưng, nhức mỏi chân tay: Quả nhàu già xắt lát mỏng 200g, ngâm với 2 lít rượu. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 20 – 30ml.

-Chữa đau lưng do thận: Rễ nhàu 12g, rau ngót 8g, cối xay 8g, dây gùi 8g, ngó bần 8g, đậu săng 8g, tầm gửi cây dâu 8g, rễ ngà voi 8g, ngũ trảo 12g. Đổ nửa lít nước, sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong 1 ngày (uống nóng).

-Chữa táo bón ở người cao huyết áp: Ăn quả nhàu với chút muối.

-Chữa đau nhức do phong thấp: Rễ cây nhàu 20g, dây đau xương 20g, củ khúc khắc (thổ phục linh) 20g, rễ cỏ xước 20g, cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Trong dân gian thường lấy quả nhàu gần chín rửa sạch, để ráo, xắt lát, trộn theo tỷ lệ 1 kg nhàu với 2 lạng đường cát, sau 15 ngày ép lấy nước uống dần, mỗi bữa chừng hai ly nhỏ có tác dụng: bồi bổ sức khỏe, điều hòa huyết áp, tăng cường khả năng miễn dịch, phục hồi các tế bào bị thương tổn suy yếu, chống viêm nhiễm, giảm đau nhức mệt mỏi cơ thể… Lá nhàu non nấu canh với lươn, thịt bò bồi bổ cho người vừa lành bệnh, người bị suy nhược cơ thể rất hiệu quả, nhanh hồi phục sức khỏe.

DS. Mỹ Nữ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.