Multimedia Đọc Báo in

Những kiểu quản lý sinh đẻ độc và lạ nhất thế giới

05:37, 09/08/2015

Việc mang thai sinh con của phụ nữ được xem là thiên chức kỳ diệu giúp con người tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, trên thế giới có những kiểu quản lý sinh đẻ độc và lạ tạo nên những làn sóng “sinh sản” đi ngược với quy luật tự nhiên.

1. Kế hoạch BHP của Đan Mạch

Hồi thế kỷ 17, Đan Mạch đã đưa ra áp dụng một kế hoạch quản lý sinh sản đặc biệt có tên BHP (Bizarre Hospital Plan - tạm dịch: Kế hoạch bệnh viện kỳ lạ), vừa bi vừa hài. Chuyện bắt đầu khi bác sĩ người Đan Mạch Thomas Bartholin, người nổi tiếng với phát minh tìm ra hệ thống bạch huyết của cơ thể đã đưa ra ý tượng quy tụ những người tàn tật để không cho phụ nữ mang thai trông thấy những người này, kể cả những người dị dạng ăn xin. Bartholin đã đệ trình ý tưởng của mình lên vua Frederick IV và được nhà vua chấp thuận ngay, bằng quy định không cho phép những người biến dạng xuất hiện trên đường phố với hy vọng giảm thiểu số ca dị tật bẩm sinh ở phụ nữ.

2. Trên 25 tuổi không sinh con bị trừ lương

Những năm 60 ở thế kỷ trước, dân số Rumani giảm xuống mức báo động. Để bảo đảm cân bằng dân số, Chính phủ Rumani đã áp dụng chính sách sinh con ép buộc. Theo đó, đàn ông và phụ nữ trên 25 có thể bị phạt 20% tiền lương hằng năm nếu không sinh con, không thể ly hôn, còn phá thai được xem là bất hợp pháp, cảnh sát được điều động tới bệnh viện để kiểm soát tình hình. Ngoài ra, tránh thai cũng bị cấm, những cặp vợ chồng thực hiện “kế hoạch hóa gia đình” sẽ bị theo dõi và phải trả lời những câu hỏi bắt buộc. Tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, mang thai và sinh con được xem là nhiệm vụ yêu nước, tiêu chuẩn để chấm điểm thi đua. Thậm chí đến thập niên 80, Chính phủ Rumani còn dành ngân sách cho chiến dịch này tương đương một nửa ngân sách quốc phòng quốc gia.

3. Sinh con ngoài giá thú phải đi tù một năm

Một trong những quốc gia áp dụng đạo luật quản lý sinh sản lạ nhất là Qatar. Tại quốc gia Trung Đông này, đồng tính luyến ái phải đi tù, uống rượu bị phạt đòn roi nơi công cộng. Ngay cả công dân nước ngoài cũng không được miễn trừ nếu phạm luật. Theo luật Qatar, bất cứ ai sinh con ngoài giá thú, chưa lập gia đình, kể cả người nước ngoài đều phải chịu hình phạt như nhau là ngồi tù một năm, dù sinh ở bệnh viện hay đẻ chui. Hiện nay có khoảng 100 phụ nữ nước ngoài phải ngồi tù tại Qatar vì phạm phải tội nói trên.

4. Khuyến khích người dân hẹn hò

   Năm 2014, tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại, với đà này Nhật Bản dự báo đến giữa thế kỷ 21 dân số của họ sẽ giảm khoảng 30 triệu người. Do vậy, đầu năm 2014, Chính phủ Nhật đã đưa ra gói khuyến khích sinh đẻ trị giá 30 triệu USD để giúp giới trẻ hẹn hò, xây dựng gia đình, thúc đẩy dân số tăng nhanh. Hàng tỷ yên đã được đổ vào các sáng kiến mang tính địa phương như konkatsu hay các dự án dài hơi của Chính phủ nhằm thúc đẩy giới trẻ “sản xuất” em bé. Thậm chí Chính phủ còn cho xây dựng các tổ chức dạng “ông tơ bà nguyệt” hỗ trợ mọi người tìm bạn đời. Quận Ibaraki còn đưa ra sáng kiến đề nghị những người trẻ tuổi (tự nguyện) cung cấp thông tin, sở thích cá nhân để họ mai mối tìm giúp bạn đời.

Nhật Bản không phải là nước châu Á duy nhất khuyến khích sinh đẻ, năm 2012, Đài Loan cũng công bố một kế hoạch tương tự, Chính phủ sẽ trợ cấp cho các công ty lớn để tổ chức "ngày hẹn hò" cho nhân viên, giúp họ tìm được nửa còn lại, xây dựng hạnh phúc và cuối cùng làm cho dân số tăng , hạn chế tình trạng suy giảm dân số quá mức như hiện nay.

5. Khuyến khích sinh đẻ bằng mọi giá ở Singapore

Giống như Nhật Bản và Đài Loan, Singapore cũng là quốc gia có tỷ lệ sinh đang giảm mạnh. Để khắc phục thực trạng trên, mới đây Chính phủ đã quyết định chi 1,5 tỷ USD cho dự án cải thiện khả năng sinh sản và làm cha mẹ cho người dân. Số tiền trên được dùng cho nhiều giải pháp khác nhau như sản xuất phim hoạt hình nhằm cung cấp các khuyến cáo bổ ích liên quan đến nghệ thuật hẹn hò, trò chuyện, thậm chí cả ấn phẩm mang tên "Cẩm nang hẹn hò" tư vấn cho nhóm phụ nữ đơn thân tìm kiếm được bạn đời… Ngoài ra, các phương tiện truyền thông cũng vào cuộc, tuyên truyền công khai các phương pháp nhằm tăng tỷ lệ mang thai nhưng tinh tế, không lố bịch. Thậm chí Cơ quan tái thiết Đô thị Singapore cũng vào cuộc, hạn chế xây dựng những căn hộ cho người độc thân, thay vào đó là những căn hộ cho các cặp đôi,  hỗ trợ vốn mua nhà để giúp những người trẻ lập dựng gia đình mà không phải lo nơi ăn chốn ở.

6. Đám cưới tập thể ở Ấn Độ nhưng phải… xét nghiệm mang thai

Không giống các nước phương Tây, ở bang Madhya Pradesh miền trung Ấn Độ lại áp dụng một quy định lạ. Hàng năm tại khu vực thiểu số ở bang này tổ chức sự kiện có tên Mukhyamantri Kanyadan Yojna, quy tụ hàng trăm người dân địa phương tham gia một đám cưới tập thể. Mục đích để giúp những thanh niên nam nữ nghèo lập được gia đình và tặng cho họ một quà cưới trị giá 150 USD. Với quy định phụ nữ mang thai không được phép tham dự, dư luận đồn rằng đây là quy tắc do chính quyền bang tự đặt ra.

Năm 2013, tờ Times của Ấn Độ cáo buộc Chính phủ bang Madhya Pradesh đã ra lệnh xét nghiệm hàng loạt phụ nữ trước khi tham dự đám cưới tập thể nói trên. Theo cáo buộc, có tới  350 phụ nữ phải làm xét nghiệm ép buộc. Kết quả, 9 phụ nữ mang thai bị cấm và buộc phải trả lại quà tặng cưới mà họ đã nhận. Đây không phải là lần đầu bang Madhya Pradesh bị cáo buộc thực hiện xét nghiệm thai ngoài ý muốn. Năm 2009, 150 phụ nữ tố cáo họ buộc phải thử nghiệm tương tự trước khi tham gia một lễ cưới tập thể.

Khắc Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk - Từ hành trình 120 năm xây dựng, phát triển đến khát vọng vươn tầm và kiến tạo
Sáng 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đắk Lắk – 120 năm hình thành và phát triển”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung và GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.