Multimedia Đọc Báo in

Đoán bệnh qua 7 dấu hiệu trên khuôn mặt

08:48, 05/12/2015

1. Vệt vàng quanh mắt, mũi hay miệng

Đây là dấu hiệu bệnh mỡ máu cao hay cholesterol tăng, nếu có nên tránh ăn thịt xông khói. Cholesterol trên ngưỡng 5,5mmol/l được xem là cao, nhất là nhóm người trên 40 tuổi. Cholesterol tăng làm cho máu động mạch bị cản trở, tạo ra những vệt vàng quanh mắt, mũi hay miệng, hiện tượng này được y học gọi là xanthelasma. Xanthelasma là hiện diện những nốt mỡ cholesterol màu hơi vàng xung quanh mí mắt, mũi hay miệng, nguy cơ tăng bệnh tim mạch do thiếu máu cục bộ. Chuyên môn khuyến cáo và coi đây là một dấu hiệu sớm của bệnh xơ vữa động mạch, kể cả ở những bệnh nhân có mức cholesterol bình thường.

- Giải pháp: Thủ thuật lột da TCA bằng hóa chất chỉ giải quyết phần ngọn, nên điều trị tận gốc, đi khám, làm các xét nghiệm cholesterol, nếu cao cần tư vấn dùng thuốc như statin (thuốc hạ cholesterol) và thay đổi lối sống, ăn uống cân bằng, đủ chất và duy trì cuộc sống vận động, năng luyện tập.

2. Làn da nhợt nhạt

Vàng da, đôi khi kèm theo quầng thâm quanh mắt là dấu hiệu máu thiếu sắt, hiện trên thế giới có khoảng 1,6 tỷ người mắc  căn bệnh này, đặc biệt là phụ nữ. Các triệu chứng khác có thể bao gồm mệt mỏi và thiếu sinh khí. Do thiếu sắt nên cơ bắp không nhận đủ oxy dẫn đến tình trạng mệt mỏi kinh niên.

- Giải pháp: Nguyên nhân phổ biến nhất của thiếu máu, thiếu sắt là không ăn đủ thịt đỏ. Đây là nguồn thực phẩm giàu sắt hem. Sắt hem (haem iron) có trong huyết sắc tố và myoglobine của các sản phẩm từ thịt, có khả năng hấp thụ cao từ 20 đến 30%, đặc biệt là thịt bò nạc. Nếu ở nhóm ăn chay thì nên tăng cường các dạng khác của sắt có trong thực phẩm họ đậu, các loại rau  dạng lá xanh, tuy nhiên dạng sắt ở trong thực vật thuộc nhóm sắt không hem cơ thể không hấp thụ tốt bằng sắt hem, vì vậy để giúp hấp thụ sắt tốt nên bổ sung thêm nhóm thực phẩm giàu vitamin C như ớt xanh với rau bina giàu sắt, cà chua giàu vitamin C với đậu lăng nâu hoặc ăn trái kiwi hay cam sau bữa ăn.

3. Vết nứt nơi khóe miệng

Xuất hiện các vết nứt khóe miệng, hay còn gọi là bệnh viêm môi bong vảy (angular stomatitis), lý do chính là thiếu vitamin nhóm B, đặc biệt là Vitamin B2 (còn gọi là riboflavin) và B3. Nhóm vitamin này có đặc tính kháng viêm, nếu có quá ít nó có thể gây đỏ da và phát sinh hiện tượng môi bong vảy. Các triệu chứng khác bao gồm cả hiện tượng lưỡi dày.

- Giải pháp: Thiếu hụt vitamin B thường gặp ở nhóm ăn chay và những người không ăn thực phẩm giàu vitamin B như trứng, sữa, thịt nạc và cá. Các loại rau lá xanh đậm cũng là nguồn phong phú các vitamin B, đặc biệt là đậu và rau bina. Khi mắc bệnh nên xét nghiệm máu, nếu thiếu hụt nguồn vitamin này nên bổ sung càng sớm càng tốt.

4. Trứng cá ở cằm

Nếu xuất hiện trứng cá ở cằm thì rất có thể người bệnh mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), do biến động hormon progesterone và testosterone. Thông thường trứng cá hay xuất hiện trước chu kỳ kinh nguyệt, nếu nghiêm trọng, nên tư vấn, khám bác sĩ bởi không loại trừ nguy cơ mắc hội chứng PCOS, căn bệnh ảnh hưởng 5-10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Theo kinh nghiệm, hội chứng PCOS thường có triệu chứng phổ biến như trứng cá mặt, nhất là ở vùng mặt phía dưới, cằm. Đây là dạng mụn nội tiết gây nên bởi hàm lượng hormone testosterone cao, làm cho cơ thể sản xuất nhiều dầu và tạo mụn. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác, như tăng trọng lượng, khoảng 30-40% phụ nữ mắc hội chứng PCOS là thừa cân và khoảng 60% trong số này có mụn trứng cá trên mặt. Ngoài mụn trứng cá cằm, có có dấu hiệu cảnh báo khác là kinh nguyệt không đều.

- Giải pháp:  Nếu có bất kỳ triệu chứng như đề cập nên đi khám, siêu âm, xét nghiệm máu để phát hiện những bất thường của buồng trứng và hormone của cơ thể để có giải pháp can thiệp.

5. Tĩnh mạch mạng nhện 

Tĩnh mạch mạng nhện (thread veins) là hiện tượng xuất hiện các mạch máu nhỏ li ti dài chừng vài milimet hoặc vài centimet dạng chỉ hay hình mạng nhện ngay dưới da mặt, gây phiền toái thẩm mỹ, dấu hiệu báo trước bệnh giãn tĩnh mạch. Phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới, nhất là khi mang thai, dùng thuốc tránh thai hoặc có những lý do như di truyền.

- Giải pháp: Nên tránh dùng thực phẩm cay nóng, chứa chất  kích thích, khi ra nắng nên mang trang phục phòng hộ, dùng kem chống nắng có hàm lượng SPF 30, không nên làm việc dưới ánh nắng mặt trời quá lâu để phòng ngừa tổn thương dẫn đến mạch máu bị vỡ. Nên đi tư vấn, khám bác sĩ để phòng ngừa nguy cơ mắc chứng giãn tĩnh mạch.

6. Nếp nhăn sâu hoặc sệ xuống

Nếu trên mặt xuất hiện các nếp nhăn sâu hoặc sệ xuống thì nên xem lại thói quen hút thuốc lá, kể cả hút thụ động, tức không hút thuốc nhưng hít phải khói của người xung quanh phả ra. Khói thuốc gây tổn hại collagen và làm giảm sự đàn hồi của da và lâu ngày làm cho da lão hóa nhanh. Khi có tuổi nếu vẫn hút thuốc sẽ làm cơ bắp, mỡ và xương dưới da teo lại, đẩy nhanh quá trình nhăn, xệ da.  Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm cạn kiệt nguồn oxy của máu nên da bị cạn kiệt dinh dưỡng, nhăn nheo. Theo nghiên cứu, cả đàn ông lẫn phụ nữ chỉ cần hút một điếu thuốc một ngày có thể gây hại cho da nhanh hơn so với người không hút.

- Giải pháp: Trước tiên là bỏ thuốc lá, việc làm này có lợi đủ điều, kể cả cho người thân gia đình. Duy trì lối sống cân bằng, tích cực, tăng cường vitamin C giúp tái tạo collagen và hạn chế tác hại của các hóa chất có trong khói thuốc gây ra.

7. Xuất hiện các ngấn sạm đen ở cổ

Đây là hậu quả của việc lạm dụng đồ ngọt, các vết sạm đen này giống hình chiếc nhẫn và cũng là dấu hiệu cảnh báo dấu hiệu kháng insulin, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và béo phì. Các vòng sạm đen trên cổ này được chuyên môn gọi là acanthosis nigricans. Tình trạng da đặc trưng dày, sạm, mượt như nhung dạng nếp gấp và nhăn, xuất hiện nhiều ở nách, háng, cổ.

- Giải pháp: Nếu xuất hiện các ngấn sạm đen ở cổ, nách và háng thì nên đi khám bác sĩ. Nếu bị kháng insulin không có nghĩa là đã phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 nhưng cần thay đổi lối sống và ăn uống cân bằng, khoa học. Hạn chế đồ ngọt, ăn ít carbohydrate tinh chế và luyện tập giảm cân. Đến nay chưa có liệu pháp đặc trị để chữa bệnh acanthosis nigricans nhưng có thể khắc phục được cơ bản bằng ăn uống và luyện tập.

Nguyễn Khắc Nam

(Theo DM- 8/2015)


Ý kiến bạn đọc