Multimedia Đọc Báo in

Những điều cần biết về bệnh sởi - quai bị - rubella

16:46, 19/03/2011

Sởi, quai bị, rubella là những bệnh do siêu vi trùng và rất dễ lây lan trong cộng đồng. Trẻ có thể bị mắc bệnh khi tiếp xúc với dịch tiết bắn ra từ người bệnh lúc ho, hắt hơi. Khi mắc các bệnh này sẽ sốt, nổi ban (sởi, rubella) hoặc nổi hạch mang tai (quai bị) và phải nghỉ học để cách ly nhiều ngày.

Cách nhận biết trẻ mắc bệnh

Trẻ bị bệnh sởi thường bị sốt, khi dấu hiệu sốt giảm sẽ xuất hiện dấu hiệu phát ban, lúc đầu ở sau tai sau đó lan ra mặt, rồi lan dần xuống ngực bụng và ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da, đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”. Ngoài ra, trẻ còn có một số triệu chứng kèm theo như chảy nước mũi, ho hay đỏ mắt. Với trẻ nhiễm virus quai bị triệu chứng thông thường bao gồm: sốt, nhức đầu, sưng tuyến mang tai một hoặc cả hai bên, đau nhức khi nhai. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện như mệt mỏi, tinh hoàn có thể bị sưng đau. Tuy nhiên, thống kê của ngành y tế cho thấy, khoảng 1/3 trẻ bị bệnh quai bị không có triệu chứng.

 

khi bị bệnh sởi, quai bị, trẻ thường sốt cao và nổi ban theo thứ tự. Ảnh minh họa

Còn trong trường hợp trẻ nhiễm virus gây bệnh rubella thì triệu chứng thường là sốt nhẹ, phát ban lúc đầu ở mặt, sau đó lan xuống dưới chân, thời gian phát ban thường kéo dài khoảng ba ngày. Ban do Rubella thường dày hơn và có màu nhạt hơn ban sởi, có thể kèm theo tình trạng sưng hạch, đau khớp. Trẻ có hội chứng Rubella bẩm sinh thường có những dấu hiệu như đục thủy tinh thể và giảm thính giác, nhưng chỉ có thể nhận thấy khi trẻ từ 2 – 4 tuổi.

Biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi - quai bị - rubella

Sởi, quai bị và rubella là 3 loại bệnh thường xảy ra ở trẻ và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1), ở bệnh rubella, một khi trẻ mắc bệnh này thì lo sợ nhất là nguy cơ trẻ lây cho người lớn, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bởi vì, phụ nữ nhiễm rubella trong lúc mang thai, thường phải bỏ thai. Vì trẻ sinh ra sẽ bị dị tật nặng nề, nếu mẹ nhiễm rubella. Theo các nghiên cứu, nếu nhiễm rubella trong ba tháng đầu thai kỳ thì tỷ lệ con sinh ra cũng nhiễm rubella rất cao (lên đến từ 50% - 80%). Nếu nhiễm từ 3 tháng tiếp theo đó, thì nguy cơ con sinh ra mắc rubella từ 10-30%... Và, nguy hiểm nhất đó là, bé sinh ra thường bị dị tật nếu mắc rubella bẩm sinh, đó là: điếc (là dị tật thường gặp nhất); mắc bệnh tim (hở van tim…); bệnh lý ở mắt (như đục thủy tinh thể, bệnh lý ở võng mạc, mù); dị dạng bộ não; và trẻ chậm phát triển tâm thần, các kỹ năng vận động. Ngoài ra, một số trường hợp trẻ nhiễm rubella bị tử vong ngay từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. 

Với bệnh sởi, nếu diễn tiến nặng có thể đưa đến các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa… và có thể gây tử vong. Còn với bệnh quai bị, nếu không điều trị chăm sóc tốt, thì có thể đưa đến biến chứng nguy hiểm như: sưng tinh hoàn (ở trẻ trai), và buồng trứng (trẻ gái), có thể dẫn đến vô sinh (một số ít), hoặc gây viêm màng não (biểu hiện đau đầu, cổ bị cứng).

Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc bệnh

Đối với trẻ bị bệnh sởi cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ 38,5oC, liều lượng thuốc dùng được tính là 10 - 15mg cho mỗi ký lô cân nặng, mỗi liều cách nhau từ 4 - 6 giờ. Nếu trẻ ho có thể cho uống thuốc giảm ho. Về chế độ ăn uống, phải đầy đủ chất dinh dưỡng và có thể chia nhỏ khẩu phần ăn làm nhiều lần trong ngày giúp trẻ dễ tiêu hóa, cho trẻ uống thêm nhiều nước, đặc biệt là các loại nước ép trái cây giàu vitamin C. Ngoài ra, phải giữ vệ sinh tốt cho trẻ. Tuyệt đối không nên ủ kín hoặc kiêng tắm sẽ làm cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

Cũng giống như bệnh sởi, khi trẻ mắc bệnh rubella sốt từ 38,5oC trở lên cần cho uống thuốc hạ sốt. Ngoài ra, cần chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ và nâng sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ ăn uống hợp lý, dùng thêm nước trái cây như nước cam, nước chanh, nước táo… Trường hợp trẻ bị bệnh quai bị, nếu trẻ sốt hoặc đau nhiều, có thể cho uống thuốc hạ sốt và giảm đau. Trong ăn uống nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm dễ nuốt và dễ tiêu hóa. Đồng thời, thường xuyên chăm sóc và giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ, nên cho trẻ nằm nghỉ, tránh các hoạt động thể lực mạnh như chạy nhảy, đùa giỡn…

 

Tiêm văcxin là cách phòng bệnh sởi - quai bị - rubella hiệu quả nhất. Ảnh: TL

Cách phòng bệnh sởi - quai bị - rubella

Sởi - quai bị - rubella là những bệnh rất dễ lây lan và gây ra những biến chứng rất nguy hiểm nên việc phòng bệnh, tránh lây lan trong cộng đồng là một việc làm hết sức quan trọng. Với ba loại bệnh này, hầu hết trẻ khi mắc bệnh đều hồi phục hoàn toàn sau một thời gian ngắn. Tuy vậy, ở những trẻ có sức đề kháng kém, bệnh có thể diễn tiến nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Phòng ngừa cơ bản cần chú trọng việc vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ, cách ly trẻ lành với người bệnh, nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ bằng chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất và tăng cường lượng nước uống.

Để tránh những nguy hiểm đáng sợ cho cả mẹ và bé,  biện pháp tốt nhất hiện nay vẫn là tiêm ngừa bằng vắc-xin. Hiện nay đã có vắc-xin 3 trong 1 (một mũi tiêm chứa cả 3 thành phần sởi, quai bị, rubella). Những đối tượng ưu tiên cần được chủng ngừa là trẻ em từ 12 tháng tuổi và phụ nữ từ 18 - 35 tuổi để phòng tránh hội chứng rubella bẩm sinh cho thai nhi. Người lớn khỏe mạnh cũng cần được chủng ngừa để phòng tránh việc lây nhiễm các căn bệnh này.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc