Multimedia Đọc Báo in

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và cách phòng ngừa

15:42, 06/04/2011

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (CODP) là thuật ngữ dùng chỉ tình trạng đường thông khí hệ hô hấp bị tắc nghẽn, gây khó thở. COPD là tình trạng giới hạn thông khí ở phổi không thể hồi phục hoàn toàn. Luồng lưu thông khí bị tắc nghẽn, lượng khí cặn trong phổi gia tăng làm bệnh nhân khó thở. Khi bị COPD, thành của đường dẫn khí dày lên, phù nề nên hẹp lại, không khí khó đi vào phổi; các phế nang bị phá hủy, làm tăng tình trạng ứ khí và giảm khả năng trao đổi khí ở phổi.

Những đối tượng dễ mắc bệnh CODP

CODP thường gặp ở những người có các yếu tố nguy cơ như nghiện thuốc lá, thuốc lào; tiếp xúc lâu năm với những khói, bụi, khí độc hại... Theo báo cáo của Chương trình Khởi động toàn cầu về COPD, 10% những người hút thuốc lá có triệu chứng lâm sàng phổi tắc nghẽn mạn tính và 80-90 % bệnh nhân COPD là người nghiện thuốc lá. 

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh COPD bên cạnh các tác nhân khác như: ô nhiễm không khí, môi trường làm việc ô nhiễm, hóa chất độc hại, khói bếp... Người hút thuốc có nguy cơ tử vong do bệnh CODP cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc. Những người hút thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Báo cáo của Chương trình Khởi động toàn cầu về COPD cũng cho thấy nam giới trên 40 hút thuốc lá có nguy cơ mắc COPD rất cao. Một điều đáng quan tâm là trong những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh này cũng đang có chiều hướng gia tăng do ngày càng có nhiều phụ nữ hút thuốc lá.

Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh CODP rất cao. Ảnh: K.O

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ mắc bệnh CODP cao và đang gia tăng trên toàn thế giới. Ðây là bệnh gây tàn phế và tạo ra gánh nặng về vật chất, tinh thần cho bệnh nhân cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe của toàn xã hội. Hiện nay, COPD là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 4 trên thế giới và dự đoán nó sẽ đứng hàng thứ 3 vào năm 2020. Đáng lo ngại là nếu như đến năm 2010, trong khi các bệnh đứng ở top 5 về tỷ lệ tử vong có xu hướng giảm dần thì COPD lại có chiều hướng gia tăng. Mỗi năm, căn bệnh này đã cướp đi mạng sống của hơn 3 triệu người trên toàn thế giới. Cũng theo báo cáo WHO, COPD tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển do thói quen hút thuốc vẫn còn rất phổ biến. Riêng tại Việt Nam, đây là bệnh có tần xuất ngày càng tăng. Nguyên nhân là do tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề trong khi tập quán hút thuốc lá không giảm.

Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng: ho, có đàm, khó thở,... Khi đến giai đoạn muộn, vách của các phế quản bị xơ hóa, tạo sẹo, các phế nang bị phá hủy, gây nghẽn đường thở, dẫn đến suy hô hấp và tử vong sớm. Bệnh tiến triển kéo dài trong nhiều năm và cuối cùng gây tử vong.
Triệu chứng lâm sàng tùy theo thể bệnh: có bệnh nhân biểu hiện triệu chứng của bệnh viêm phế quản mạn (ho khạc đờm mạn tính, tức ngực...) hoặc biểu hiện triệu chứng của khí thũng phổi (lồng ngực căng giãn, khó thở mạn thường xuyên, tăng dần liên quan đến gắng sức...) hay có cả triệu chứng của bệnh viêm phế quản mạn và khí thũng phổi (thể hỗn hợp). Trong đợt cấp của bệnh, bệnh nhân thường có biểu hiện ho khạc đờm tăng, số lượng đờm nhiều, đờm đục, khó thở tăng và có thể có biểu hiện của nhiễm trùng. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể có biểu hiện suy tim, suy hô hấp nặng hoặc xuất hiện tràn khí màng phổi trong đợt cấp. Xét nghiệm công thức máu có thể thấy thay đổi số lượng và công thức bạch cầu. Chụp X-quang phổi có thể thấy hình ảnh “phổi bẩn” hoặc các nốt, đám mờ mới xuất hiện rải rác 2 bên phổi. Nguyên nhân của đợt cấp tính chủ yếu do 2 nhóm chính là nhiễm khuẩn và nhiễm virút. Việc xác định nguyên nhân đợt cấp của CODP rất quan trọng, giúp thầy thuốc can thiệp điều trị kịp thời, hiệu quả.

Cách dự phòng bệnh CODP

Bệnh CODP  tiến triển nặng dần với những đợt cấp (còn gọi là đợt bùng phát-Exacerbation). Các đợt cấp là nguyên nhân chính làm bệnh nhân phải nhập viện, bệnh tiến triển nặng và nhanh hơn với các biến chứng nguy hiểm (suy tim phải, tràn khí màng phổi, suy hô hấp...) và cũng là nguyên nhân gây tử vong, tăng chi phí điều trị cho người bệnh. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, trung bình mỗi năm bệnh nhân CODP có từ 1-3 đợt cấp. Do vậy dự phòng và điều trị đợt cấp một cách tích cực và đúng sẽ làm giảm đáng kể sự tiến triển của bệnh, ngăn ngừa các biến chứng, giảm số lần nhập viện cũng như chi phí điều trị và tỷ lệ tử vong ở những người mắc phải căn bệnh này.

Dự phòng đợt cấp của bệnh CODP gồm các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Hiện nay bệnh CODP thường dụng thuốc dạng kết hợp giữa thuốc giãn phế quản nhóm chủ vận β2 adrenergic tác dụng kéo dài và coritisteroid dạng hít (LABA+ICS) như các biệt dược seretide, symbicort. Các bác sĩ căn cứ vào biểu hiện các triệu chứng và giai đoạn của CODP để đưa ra chỉ định, liều lượng và thời gian sử dụng các thuốc này một cách thích hợp với từng bệnh nhân. Ngoài ra, các phương pháp dự phòng không dùng thuốc rất phong phú. Những bệnh nhân nghiện thuốc lá cần ngừng hút thuốc lá, hoặc cai thuốc nhờ tư vấn và trợ giúp của thầy thuốc. Nghiên cứu về tác dụng của cai thuốc lá ở người CODP cho thấy nếu bệnh nhân càng cai thuốc sớm (ở tuổi trung niên) thì rối loạn chức năng hô hấp sẽ chậm hơn những người cai thuốc muộn (ở tuổi già). Ôxy là liệu pháp rất quan trọng với bệnh nhân CODP, song việc chỉ định và cách thức tiến hành ôxy liệu pháp phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Tiêm phòng cúm là biện pháp tốt để dự phòng CODP cấp tính. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, tiêm vắcxin phòng phế cầu và phòng cúm cũng là biện pháp tốt dự phòng đợt cấp do nhiễm khuẩn. Người bệnh nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khói, bụi; tránh lạnh đột ngột; vệ sinh răng miệng (xúc các nước sát trùng họng, miệng) để phòng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và khi nhiễm trùng đường hô hấp trên xuất hiện phải điều trị ngay. Đồng thời, điều trị và kiểm soát tốt các bệnh phối hợp (tiểu đường, tăng huyết áp...). Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ các chất đạm, giàu vitamin A, D, E và chất khoáng. Có chế độ nghỉ ngơi kết hợp với phương pháp vật lý trị liệu (hô hấp liệu pháp) hợp lý theo chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc.

Hàng tháng, người bệnh cần đi khám bệnh để được thầy thuốc chuyên khoa chỉ định điều trị các thuốc và tư vấn các biện pháp điều trị thích hợp. Khi có các triệu chứng biểu hiện đợt cấp của CODP, người bệnh cần đến các phòng khám hoặc bệnh viện gần nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

6 lời khuyên cho bệnh nhân COPD

1. Hãy đến bác sĩ sớm ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ đầu tiên:(ho, khạc đàm, khó thở khi vận động nặng…)

2. Ngưng hút thuốc lá: Đây là việc quan trọng đầu tiên nên làm nếu người mắc bệnh hút thuốc lá.

3. Giữ không khí trong nhà thật sạch, thoáng, tránh khói và các loại khí gây khó thở.

4. Luyện tập, giữ cho thân thể khỏe mạnh: tập thở theo hướng dẫn của bác sĩ, đi bộ và tập thể dục đều đặn. Đồng thời có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

5. Nếu bị COPD mức độ nặng hãy sống lạc quan và hoạt động tối đa trong điều kiện sức khỏe cho phép. Làm việc thường ngày một cách chậm rãi, đơn giản. Chọn chỗ ngồi để có thể nghỉ ngơi thoải mái khi cần.

6. Hãy đến bệnh viện ngay nếu tình trạng bệnh xấu đi: Nếu có những dấu hiệu nguy hiểm như nói chuyện, đi lại khó khăn; môi hay móng tay tím tái; nhịp tim mạch rất nhanh hay không đều; thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu hay mất tác dụng; thở gấp và khó… nên đi cấp cứu ngay.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc