Multimedia Đọc Báo in

Những điều cần biết về bệnh đau nửa đầu

14:38, 04/04/2011

Đau nửa đầu thường xuất hiện có tính chất chu kỳ, với biểu hiện: cơn đau khu trú ở bên đầu, đau theo nhịp mạch đập, có thể kèm theo nôn, buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động. Đây là căn bệnh tương đối phổ biến, chiếm khoảng 10% dân số, nữ thường mắc nhiều hơn nam, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh không rõ ràng

Không như chứng đau đầu thông thường hay đau đầu do lạnh, bệnh đau nửa đầu thường rất khó chịu và hay tái đi tái lại và thường đi kèm với buồn nôn. Bệnh bắt đầu bằng cơn đau một bên đầu và có thể lan sang cả hai bên và có thể cản trở nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Với bệnh đau nửa đầu, tùy cơ địa mà mức độ cũng như thời gian đau của mỗi người khác nhau. Song, triệu chứng điển hình của bệnh này thường là đau mạnh ở một hay cả hai bên đầu; buồn nôn và nôn; cứng cơ cổ; nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng; ảo giác như thấy các đường ziczac và ánh sáng loá; mệt mỏi, dễ cáu kỉnh và nhầm lẫn; tăng số lần đi tiểu và tiêu chảy… Trong cơn đau, người bệnh có cảm giác đau nặng đầu rất khó chịu, đau giật giật theo nhịp mạch đập, mức độ từ vừa phải đến dữ dội, có thể nối tiếp từ cơn này đến cơn khác. Thời gian của mỗi cơn đau kéo dài trung bình từ 4 - 12 giờ (nếu không được điều trị), kèm theo người bệnh có thể buồn nôn, nôn, sợ tiếng động và ánh sáng, dễ bị kích thích và cáu gắt... Sau cơn đau đầu, nếu được nghỉ ngơi và có được một giấc ngủ sâu, sức khỏe sẽ phục hồi tốt. Ngược lại, nếu người bệnh không ngủ được hoặc ngủ không sâu sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu âm ỉ và nặng đầu sẽ kéo dài một vài ngày. Thông thường, tần suất xuất hiện cơn đau nửa đầu có thể là 1-2 lần/tháng, nhưng cũng có thể cao hơn: 4-5 lần/tháng. Trong một số trường hợp có xuất hiện những triệu chứng báo trước cơn đau như thay đổi tâm lý, rối loạn thị giác, rối loạn tiêu hóa...

Phụ nữ thường mắc bệnh đau nửa đầu nhiều hơn nam giới. Ảnh minh họa

Người ta cho rằng cơn đau nửa đầu là do sự thay đổi trong dòng máu chảy về não. Bệnh cũng có thể do stress hay các yếu tố khác. Tuy nhiên, đến nay, nguyên nhân gây bệnh đau nửa đầu vẫn chưa được xác định rõ ràng. Có nhiều yếu tố sinh bệnh đau nửa đầu, có thể do co giãn mạch máu ở đầu, hoặc do các chất trung gian hóa học (trong đó có vai trò của serotonin - một chất có chức năng truyền tải các tín hiệu thần kinh lên não) hay sự tích tụ bất thường calci bên trong tế bào thần kinh. Ngoài ra, những thay đổi thông thường của thời tiết hay độ cao có thể gây đau nửa đầu. Giấc ngủ thất thường (quá nhiều hay quá ít), sự gián đoạn của giấc ngủ thường ngày cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Mùi hương quá đậm, đèn quá sáng hay tiếng ồn quá mức cũng được cho là gây đau nửa đầu. Bên cạnh đó, chứng đau nửa đầu còn hay xảy ra đối với rất nhiều phụ nữ do sự thay đổi hormon thời kỳ kinh nguyệt, trưởng thành, mang thai và mãn kinh.

Cách điều trị bệnh đau nửa đầu

Bệnh đau nửa đầu thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng các cơn đau tái diễn liên tục nếu không được điều trị tốt sẽ làm suy giảm nghiêm trọng sức khỏe, tinh thần, khả năng lao động cũng như chất lượng sống của người bệnh.

Hiện tại, không có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh đau nửa đầu, nhưng có thể kiểm soát bằng cách cắt cơn đau và dự phòng cơn đau đầu. Để điều trị cơn đau đầu, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau thông thường đối với những người bị đau nhẹ hoặc vừa phải, cơn đau thưa, nhanh chấm dứt. Đối với các trường hợp đau nặng, cơn đau dày có thể dùng thuốc chống viêm giảm đau và thuốc dự phòng cơn đau. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc tuyệt đối phải theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.   

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cần có chế độ ăn uống thích hợp: kiêng rượu và thuốc lá (tránh hít phải khói thuốc), hạn chế bia, cà phê. Đồng thời, cần tránh những cơn căng thẳng về thần kinh; đảm bảo ngủ đủ (tối thiểu 7 giờ mỗi ngày); tập luyện thân thể đều đặn để giảm huyết áp và tăng cường tuần hoàn máu.

D.K (nguồn SK&ĐS)


Ý kiến bạn đọc