Multimedia Đọc Báo in

4 nhóm trẻ không được tiêm phòng sởi

16:56, 12/08/2011

Việc tiêm vắc xin  phòng sởi có ý nghĩa rất quan trọng đối với trẻ trong 5 năm đầu đời, bởi đây là căn bệnh để lại những tác hại khôn lường, nhất là khi biến chứng. Tuy nhiên, khi chuẩn bị tiêm phòng cho con, cha mẹ phải đặc biệt chú ý đến tình trạng sức khỏe của trẻ cũng như đọc kỹ các thông báo về loại vắc xin, để tránh hậu quả nghiêm trọng hơn.

Những nhóm trẻ được các chuyên gia y tế cảnh báo không nên tiêm vắc xin  sởi gồm:  trẻ bị dị ứng với các thành phần của vắc xin (bao gồm cả tá dược và thành phần kháng sinh như: gentamicin sulfat hoặc kanamycin sulfate), từng bị phù nề thanh quản, sốc dị ứng, ban xuất huyết, ban xuất huyết giảm tiểu cầu và các dị ứng nghiêm trọng khác; trẻ mắc bệnh cấp tính, mãn tính nghiêm trọng, trong thời kỳ phát tác bệnh mãn tính, trẻ đang sốt; trẻ bị suy miễn dịch, chức năng miễn dịch kém hoặc đang điều trị kiểm soát miễn dịch; trẻ đang điều trị các bệnh liên quan đến hệ thống thần kinh như viêm đa dây thần kinh Guillain-Barre, viêm não tủy cấp tính, động kinh, rối loạn thần kinh...

Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, sau khi tiêm phòng cho trẻ, cha mẹ cần quan sát 30 phút mới cho trẻ về. Sau khi tiêm phòng sởi 24 giờ, một số ít trẻ bị sưng đỏ, đau chỗ tiêm, phần lớn tự khỏi trong 2-3 ngày. Trong vòng 1-2 tuần có trẻ sốt phản ứng trong 1-2 ngày là hết và một số ít trẻ bị mẩn ngứa, thông thường không quá 2 ngày, không cần dùng thuốc. Tuy nhiên nếu thấy bất kỳ triệu chứng nào khác thường, cần đưa trẻ đến bác sỹ ngay.

K.O (nguồn HNM)

 


Ý kiến bạn đọc