Multimedia Đọc Báo in

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắcxin phòng bệnh tay, chân, miệng

21:22, 17/09/2011

Vắcxin INV21, một virút tái tổ hợp, dạng hạt, rất tinh khiết đã được thiết kế để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tay, chân, miệng (TCM), gây ra bởi enterovirus 71 (EV71) đã sẵn sàng để tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một. Đây là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu của các nhà khoa học hãng Inviragen (một hãng dược phẩm chuyên tập trung vào phát triển các loại vắcxin phòng chống các bệnh truyền nhiễm trên toàn thế giới).

Giám đốc điều hành của hãng Inviragen Joseph Santangelo cho biết, INV21 được phát triển tại chi nhánh Singapore của Inviragen. Nghiên cứu tiền lâm sàng của INV21 đã chứng minh rằng vắcxin này kích thích cơ thể tạo ra một lượng kháng thể trung hòa lớn đối với nhiều phân chủng EV71. Còn Tiến sĩ Paul Tambyah, Giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Y, Trường Y khoa Yong Loo Lin thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Singapore, cố vấn cao cấp của Khoa về các bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Cứu tế Quốc gia, Singapore, và là người đứng đầu nhóm nghiên cứu cuộc thử nghiệm lâm sàng này, nhấn mạnh, mục tiêu của nhóm nghiên cứu là đưa các loại vắcxin như INV21 ra thị trường vì lợi ích của người dân ở Singapore và cả thế giới. Bệnh TCM có thể khiến trẻ em suy nhược trầm trọng, có thể dẫn đến nguy cơ liệt hoặc tử vong. Loại bệnh này vẫn là một mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, cùng với đó là tác động to lớn về kinh tế khi nó tiếp tục gây ảnh hưởng đến trẻ em ở Singapore và khu vực. Việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một sẽ đánh giá sự an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch của vắcxin INV21 trên các tình nguyện viên là những người trưởng thành khỏe mạnh có độ tuổi từ 21 đến 45. Các tình nguyện viên sẽ được sử dụng vắcxin 2 lần, mỗi lần cách nhau 4 tuần và sẽ được theo dõi các phản ứng phụ sau mỗi lần dùng vắcxin. Phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với vắcxin INV21 sẽ được kiểm tra ở giai đoạn 1, 2 và 6 tháng sau đợt chủng ngừa thứ hai.

Được biết, TCM là một bệnh do virút thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ em, là nguyên nhân gây sốt và mụn nước cũng như phát ban trên da và niêm mạc miệng của trẻ. Mặc dù bệnh này có đặc thù là chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng số ca mắc TCM nặng liên quan đến EV71 lại gia tăng, kể cả ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh trung ương. Dịch TCM đã bùng phát khắp châu Á, đặc biệt là tại Singgapor, Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Hàn Quốc, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục. Hiện chưa có loại vắcxin nào ngăn ngừa bệnh TCM.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc