Vắcxin hỗ trợ điều trị ung thư phổi được sản xuất đại trà tại Cuba
Theo Trung tâm miễn dịch phân tử Cuba (CIM), các nhà khoa học nước này đã bào chế thành công vắcxin CIMAVAX-EGF, một loại vắcxin có thể hỗ trợ điều trị ung thư phổi sau 15 năm nghiên cứu. Trong thời gian tới, loại vắcxin này sẽ được sản xuất đại trà tại Cuba.
Người mắc bệnh ung thư phổi sẽ có thêm vắc xin hỗ trợ điều trị trong một tương lai gần. Ảnh minh họa: K.O |
Vắcxin CIMAVAX-EGF được tiêm cho bệnh nhân sau quá trình xạ trị hoặc hóa trị và được xem là “giải pháp thay thế” giúp kiểm soát khối u mà không cần sự hỗ trợ của hóa chất. Đây là loại vắcxin hỗ trợ điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn đầu tiên được đăng ký trên thế giới. Loại vắcxin này giúp cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, đồng thời có tác dụng biến bệnh ung thư phổi thành một căn bệnh mãn tính. Giám đốc dự án nghiên cứu CIMAVAX-EGF Gisela González cho biết, vắcxin CIMAVAX-EGF đã được thử nghiệm trên hơn 1.000 bệnh nhân Cuba và cho kết quả khả quan. mặc dù loại vắcxin này không thể phòng bệnh nhưng cho phép kiểm soát ung thư phổi ở giai đoạn cuối bằng cách tạo ra các kháng thể chống lại các chất protein trong cơ thể có chức năng hỗ trợ sự phát triển không kiểm soát được của các tế bào.
Được biết, hiện tại vắcxin CIMAVAX-EGF đã được đăng ký tại Cuba và Peru; đồng thời nó cũng đang được tiến hành các thủ tục đăng ký chính thức tại Colombia, Brazil, Paragoay, Ecuador và Argentina. Ngoài ra, Cuba cũng dự định đưa vào thử nghiệm loại vắcxin này tại Trung Quốc trong thời gian tới.
K.O (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc