Một phần ba số thuốc chống sốt rét ở châu Á và châu Phi là giả
Kết quả nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Mỹ do ông Gaurvika Nayyar thuộc Viện Y tế quốc gia (NIH) dẫn đầu cho biết, khoảng 1/3 số thuốc chống sốt rét được sử dụng ở châu Á và châu Phi là thuốc giả.
Ông Nayyar và các đồng nghiệp đã nghiên cứu gần 4.000 mẫu thuốc chống sốt rét khác nhau, trong đó có 2.600 loại thuốc đã được thu thập từ 21 quốc gia Trung và Nam Phi và gần 1.500 mẫu dược phẩm từ 7 quốc gia Đông Nam Á. Kết quả, khoảng 1/5 sản phẩm thuốc từ các nước châu Phi đã bị làm giả và không chứa đủ thành phần hoạt chất. Còn trong số các loại thuốc từ châu Á có 36% là giả, một nửa số sản phẩm không được đóng gói đúng cách và 1/3 số mẫu khảo sát thiếu các hoạt chất.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, chính những viên thuốc kém chất lượng và giả đang gây ra tình trạng kháng thuốc và thất bại trong việc điều trị căn bệnh này. Trưởng nhóm nghiên cứu Gaurvika Nayyar nhấn mạnh, sốt rét là bệnh phổ biến ở 106 quốc gia trên thế giới và 3,3 tỷ người đang có nguy cơ mắc căn bệnh này. Mỗi năm, thế giới có khoảng 655.000 đến 1,2 triệu người bị chết do nhiễm ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh cũng như tử vong có thể tránh được nếu thuốc có sẵn đạt hiệu quả, chất lượng cao và sử dụng đúng cách.
Nghiên cứu cũng phát hiện rằng hiện tại cơ sở vật chất không đủ để có thể giám sát chất lượng của thuốc chống sốt rét. Đồng thời, việc giám sát quản lý sản xuất vẫn còn thiếu, hình thức trừng phạt cho những kẻ làm hàng giả vẫn còn thiếu và chưa quyết liệt.
K.O (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc