Multimedia Đọc Báo in

Sẽ kiểm tra hàm lượng iốt đối với 2 sản phẩm sữa Wakodo và Morinaga của Nhật Bản

14:34, 15/08/2012

Ngay sau khi nhận được thông báo của Trung tâm an toàn thực phẩm Hồng Kông về hai loại sữa dành cho trẻ nhỏ từ 0 đến 9 tháng tuổi của Nhật Bản là sữa Wakodo 850g và sữa Morinaga 850g có hàm lượng iốt thấp hơn so với tiêu chuẩn của Ủy ban tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm (Codex), Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - ATVSTP (Bộ Y tế) đã kiểm tra tình hình nhập khẩu, lưu thông dòng sản phẩm này tại Việt Nam và yêu cầu công ty nhập khẩu báo cáo giải trình.

Cục ATVSTP cho biết: sản phẩm Wakodo dành cho trẻ từ 0-12 tháng tuổi đã được Cục cấp giấy Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và được Viện Kiểm nghiệm VSATTP quốc gia cấp giấy Xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu đối với từng lô hàng trước khi lưu thông. Sản phẩm này được sản xuất dựa trên quy định của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản. Đối với sản phẩm sữa bột dinh dưỡng dành cho trẻ, hiệu Morinaga, Cục ATVSTP chỉ cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm đối với sản phẩm dành cho trẻ từ 9 đến 36 tháng tuổi. Hiện tại, Cục đã đề nghị Viện Kiểm nghiệm VSATTP quốc gia tiến hành lấy mẫu 2 sản phẩm sữa nêu trên để kiểm tra hàm lượng iốt.

Theo Cục ATVSTP, hiện tại Việt Nam chưa có quy định bắt buộc về việc bổ sung iốt vào các sản phẩm dành cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, Cục vẫn đang nghiên cứu và xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về thực phẩm công thức dành cho trẻ nhỏ phù hợp với tiêu chuẩn của Codex và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tiếp tục giữ liên hệ với Trung tâm an toàn thực phẩm Hồng Kông để cập nhật thông tin và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, rà soát để thông báo kịp thời đến người tiêu dùng.

K.O (nguồn website Cục ATVSTP)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.