Multimedia Đọc Báo in

Công dụng của dây bạc thau

09:32, 29/09/2012

Bạc thau có tên khoa học là Argyreia acuta Lour, thuộc họ bìm bìm (Convolvulaceae). Bạc thau còn có tên là bạch hạc đằng, chấp miên đằng, bạc sau, thau bạc, là  loại dây leo bò trên đất hoặc quấn quanh cây khác để bò trườn lên. Thân có nhiều lông màu trắng bạc. Lá nguyên, mọc so le, hình bầu dục hay trái xoan, mặt trên nhẵn, xanh sẫm, mặt dưới (mặt sau) có nhiều lông mịn màu trắng bạc. Cụm hoa ở nách lá hay ở ngọn thân, hình đầu hay hình tán, cuống hoa có lông tơ trắng bạc. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 5, màu trắng, mặt ngoài có lông tơ. Mặt ngoài của lá đài cũng có ánh bạc. Quả mọng hình cầu, khi chín màu đỏ, bao bởi đài hoa phát triển, có mặt trong màu đỏ. Hạt hình trứng, màu nâu. Dây mọc hoang khắp nơi. Bộ phận dùng là lá và thân dây.

Theo Đông y, bạc thau có công dụng thanh nhiệt, lợi thủy, giải độc, sát trùng, tiêu viêm… Trong dân gian thường dùng bạc thau để  trị bí tiểu tiện, đi đái ít một rát buốt, nước tiểu đục, bạch đới, ngứa lở, mụn nhọt, sốt rét, ho, viêm phế quản cấp và mạn với liều dùng mỗi ngày uống 6-12g cành, lá khô. Dùng ngoài: giã cành, lá tươi đắp lên mụn nhọt đã vỡ mủ để chóng lên da non.

Một số bài thuốc có bạc thau:

Vết thương, mụn nhọt, chảy nước vàng: Lá bạc thau khô tán mịn, rắc hoặc lá tươi giã đắp; Sưng tấy, mụn nhọt: Lá bạc thau tươi giã đắp; Ho trẻ em: Lá bạc thau, lá me chua, lá xương sông mỗi vị 6-8g giã vắt lấy nước cốt cho uống; Bạch đới: Lá bạc thau và lá mò (xích đồng nam, bạch đồng nữ) mỗi vị 30-40g giã vắt lấy nước uống trong hay sắc uống; Nổi mẩn ngứa, ghẻ lở, rôm sẩy: Lá bạc thau nấu nước tắm rửa; Kinh nguyệt không đều: Bạc thau 20g, Rau dền gai 8-16g sắc nước uống; Rong huyết, rong kinh: lá bạc thau giã nhỏ chế nước nguội vào, vắt lấy nước cốt uống. Hoặc dùng lá bạc thau, lá ngải cứu, lá bạch đầu ông mỗi vị 20g giã nhỏ, lọc nước uống.

DS. Mỹ Nữ

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.