Multimedia Đọc Báo in

5 thiết bị y tế "cứu tinh" nhân loại trong tương lai

20:48, 29/03/2014

Cùng với việc đổi mới lĩnh vực y tế, các nhà khoa học đã cho ra đời nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh; trong số này có 5 công nghệ, thiết bị nổi trội được Cơ quan Quản lý Thực- Dược phẩm Mỹ (FDA) xếp trong danh sách những thiết bị y học "cứu tinh" cho nhân loại trong tương lai.

1. Thiết bị giảm sinh thiết khối u độc ung thư

FDA vừa phê duyệt cho phép đưa vào sử dụng máy quét quang học có tên là MedaFind phân tích đa phổ các hình thái mô. Qua đó nó có thể cung cấp thông tin, hỗ trợ giúp bác sĩ quyết định có cần phải sinh thiết phẫu thuật khối u độc hay không. MedaFind ứng dụng công nghệ hoa tiêu tên lửa do Bộ Quốc phòng Mỹ sáng chế để quét quang bề mặt tổn thương theo 10 bước sóng điện từ. Tín hiệu thu thập sẽ được xử lý bằng các thuật toán cao tải, sau đó đem so với các hình ảnh gốc (10.000 bức ảnh số của các khối u ác tính và các bệnh ngoài da), giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác mức độ bệnh tật.

2. Viên thuốc Aspirin điện tử

Viên thuốc Asprin điện tử (Electronic Aspirin) là công nghệ mới nhất dùng để trị bệnh đau đầu cho con người. Từ lâu, những người mắc bệnh đau nửa đầu, đau đầu từng cơn như búa bổ thường được bác sĩ kê đơn dùng asprin nhưng vẫn chưa khắc phục hết cơn đau. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện thấy những người đau đầu mãn tính thường có hạch SPG, nếu phong bế được các hạch này sẽ giảm được các cơn đau. Công nghệ nói trên có tác dụng phong bế được các tín hiệu SPG ngay từ khi mới bắt đầu. Người ta cấy một thiết bị kích thích dây thần kinh vào vùng “kẹo cao su” phía trên não - nơi thường xuyên ảnh hưởng bởi cơn đau; khi người trong cuộc thấy cơ đau xuất hiện, kích hoạt vào thiết bị cầm tay nó sẽ hoạt hóa toàn bộ hệ thống, làm cho các dây thần kinh SPG hoạt động, phong bế ngăn chặn dẫn truyền thần kinh gây đau.

3. Chăm sóc bệnh nhân tiểu đường không gây đau

Chăm sóc bệnh nhân tiểu đường không gây đau, hay chăm sóc bệnh nhân tiểu đường không cần tiêm chích, lấy máu... mà vẫn kiểm soát được đường huyết - đó là công nghệ mới có tên Echo Therapeutics, gọi tắt là ET. Đây là công nghệ tự động hóa hoàn toàn, gồm một cảm biến sinh học thẩm thấu (transdermal biosensor) có thể đọc được các thông số máu qua da, hay các chất phân tích máu (analytes) mà không cần phải lấy máu. Ngoài ra, công nghệ này còn bao gồm cả một thiết bị cầm tay điện tử giống như chiếc bàn chải đánh răng làm nhiệm vụ gom một lượng nhất định tế bào trên lớp da ngoài cùng của người bệnh. Thiết bị cảm biến sinh học tiến hành phân tích và đưa ra dữ liệu âm thanh báo cho biết mức độ đường huyết của người trong cuộc cao hay thấp.

4. Robot khám bệnh

Một trong những mục đích cải tổ ngành y là giúp người bệnh tiếp cận nhanh với các dịch vụ khám chữa bệnh công nghệ cao, chi phí thấp và bảo đảm tiến độ. Một trong số những thành tựu vừa đạt được là dịch vụ y học từ xa (Telemedicine), trong đó có cả các dịch vụ do robot đảm nhận. Tại Mỹ những sản phẩm này đã và đang được đưa vào khai thác, tiêu biểu là robot RP-VITA đã được FDA phê duyệt sử dụng tại các bệnh viện, bao gồm một chiếc xe di động, màn hình video 2 chiều và thiết bị giám sát y học đã được lập trình sẵn để cơ động trong bệnh viện, hạn chế tình trạng quá tải bác sĩ điều trị và có thể ứng dụng cho những vùng hẻo lánh nơi không có đủ các nhân viên y tế điều trị.

5. Van động mạch chủ qua đường ống thông

Một trong những tiến bộ đáng lưu ý trong lĩnh vực tim mạch thời gian gần đây là sự ra đời của van động mạch chủ qua đường ống thông Sapien (Sapien transcatheter aortic valve). Đây là thủ thuật không phức tạp, hiệu quả cao, đặc biệt là cho các bệnh nhân hẹp khít van động mạch chủ. Van Sapien được dẫn thông qua động mạch chủ đùi bằng ống catheter nhờ một vết rạch nhỏ, chế tạo từ mô bò gắn liền với một ống đỡ động mạch bằng thép không rỉ, có thể giãn nở. Thủ tục lắp van tương đối đơn giản, chỉ cần nằm viện thời gian ngắn, chi phí chăm sóc không đáng kể nên phù hợp với rất nhiều đối tượng người bệnh.

Duy Hùng

(Theo ASME-2/2014)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.