Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng
07:28, 25/08/2011
“Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng” là chủ đề Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2011 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo Tin tức (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức vào ngày 24-8.
Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam năm 2011 với chủ đề tọa đàm “Xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng” hướng tới việc nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm của DN, qua đó giúp cộng đồng DN xây dựng nền tảng cho chiến lược thương hiệu sản phẩm nói riêng và thương hiệu ngành nói chung.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ công thương Nguyễn Thành Biên cho biết: hiện nay, Việt Nam đã có nhiều ngành hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu, một số mặt hàng đang vươn lên tầm vóc khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thương hiệu Việt Nam vẫn được biết đến rất ít ở thị trường thế giới. Không những thế, càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thương hiệu hàng hóa Việt Nam càng bộc lộ những bất cập lớn như: bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa và vẫn tiếp tục phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài; bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khai thác một cách bất lợi trên thị trường thế giới... Vì thế, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với DN sẽ nâng cao giá trị hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh, vị thế hàng hóa Việt Nam góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Theo các chuyên gia kinh tế, một thương hiệu mang tầm quốc gia sẽ tạo ra rất nhiều lợi ích phát triển cho đất nước và DN. Nhưng việc xây dựng THQG đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực. Cả nước hiện có trên 8.000 DN, nhưng đến nay mới chỉ chọn được 43 DN có thương hiệu, sản phẩm tham gia Chương trình THQG. Các DN, thương hiệu này được lựa chọn rất kỹ càng, phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe, có quy trình sản xuất kinh doanh gắn sản phẩm dịch vụ với các giá trị uy tín chất lượng, đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong.
Theo nhiều ý kiến tại Diễn đàn, để xây dựng thương hiệu ngành, Nhà nước và Chính phủ cần hỗ trợ mạnh hơn nữa cho các DN trong việc nâng cao năng lực xây dựng và phát triển thương hiệu. Kết nối các DN thông qua các hiệp hội để cùng tạo dựng hình ảnh thương hiệu cho nhóm sản phẩm (thương hiệu ngành hàng). Gia tăng việc xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể, đặc biệt là thương hiệu tập thể gắn với chỉ dẫn địa lý. Phát triển đồng thời các thương hiệu hàng hóa, thương hiệu các sản phẩm du lịch, hoạt động ngoại giao để tạo dựng hình ảnh quốc gia. Chọn lọc và đầu tư để xây dựng một số thương hiệu quốc tế mạnh của DN Việt Nam.
Phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột gắn với chỉ dẫn địa lý |
Về phía các DN, để các sản phẩm, thương hiệu được lựa chọn tham gia Chương trình THQG phải chú trọng đầu tư vào quy trình sản xuất và quản trị kinh doanh hiện đại; được sản xuất và cung ứng bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, khai thác nguyên vật liệu trong nước và có khả năng thay thế sản phẩm nhập khẩu; chất lượng được đảm bảo bằng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và được công nhận theo các quy định pháp luật.
Theo Cục Xúc tiến Thươg mại, xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng là một nội dung quan trọng của Chương trình Thương hiệu Quốc gia (THQG) trong giai đoạn tới. Chương trình THQG sẽ tập trung hỗ trợ DN và thông qua các hiệp hội ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có thế mạnh để xây dựng nhãn hiệu tập thể, nghiên cứu và áp dụng mô hình phát triển thương hiệu cạnh tranh của ngành; hướng dẫn và hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các DN trong việc bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng, các mặt hàng mang chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng tiếp cận các nguồn tài trợ, dự án và chương trình hợp tác kỹ thuật của nước ngoài liên quan đến phát triển thương hiệu.
H.H (
Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc