Dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi: Băn khoăn tính khả thi
Đại diện nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) cho biết: Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đang được các cơ quan chức năng lấy ý kiến đóng góp rộng rãi và còn nhiều điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế...
Trước hết, về loại tiền được bảo hiểm, Dự thảo quy định tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia BHTG dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn, tiết kiệm… mới được bảo hiểm. Đại diện nhiều TCTD cho rằng, việc không bảo hiểm đối với tiền gửi bằng ngoại tệ là cần thiết, phù hợp với chủ trương chung, nhưng nếu không BHTG đối với vàng là chưa đầy đủ. Bởi hiện tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang xây dựng dự thảo đề án huy động vàng trong dân cư và theo đề án này, thời gian tới, Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các TCTD, các TCTD sẽ làm đại lý cho NHNN trong việc huy động vàng. Các chuyên gia tài chính dự đoán hiện số vàng có trong dân có thể đạt từ 300-500 tấn, nhưng không tập trung mà phân tán mỗi hộ dân một ít. Hơn nữa, lâu nay vàng được xem là thứ tài sản cất trữ, người dân ít quan tâm đến việc sinh lợi của kim loại quý này, nên chẳng cần gửi ngân hàng để hưởng lãi. Trong điều kiện này, nếu Nhà nước không BHTG đối với vàng thì người dân cũng chẳng mặn mà gì với việc mang vàng đến gửi vào ngân hàng, việc huy động vàng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Đại biểu đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật BHTG tại hội nghị do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức. |
Một vấn đề được các TCTD quan tâm nữa là vị trí pháp lý, tính độc lập và cơ quan quản lý tổ chức BHTG chưa rõ ràng. Theo Dự thảo Luật BHTG, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tổ chức BHTG; Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về BHTG; NHNN chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý Nhà nước về BHTG. Nhiều ý kiến lo ngại, nếu quy định này được thông qua có thể dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khiến NHNN "ôm” quá nhiều việc. Trên thực tế, NHNN xưa nay vẫn là cơ quan thực thi các chính sách về tiền tệ, cấp giấy phép cũng như trực tiếp quản lý hệ thống các TCTD trên toàn quốc. Trong khi đó, chức năng của cơ quan quản lý BHTG là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Nếu theo đề xuất trong Dự thảo sẽ khiến NHNN trở thành một cơ quan phải giải quyết nhiều mục tiêu cùng một lúc, dẫn tới các mâu thuẫn về lợi ích. Chính vì lý do này mà nhiều ý kiến đề nghị nên tách cơ quan quản lý BHTG ra khỏi sự quản lý của NHNN, nhằm tạo sự độc lập cho tổ chức này. “Tổ chức BHTG phải có tính độc lập và chủ động; có chức năng giám sát và kiểm tra sự an toàn, mức độ rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG thì mới có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình” - lãnh đạo một TCTD góp ý thêm.
Trần Sáu
Ý kiến bạn đọc