Nóng lạnh đất đai
Hiện nay, đất đai lại đang nóng rực lên với vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng). Thủ tướng đã phải vào cuộc, đã kết luận đúng sai rành rẽ từng nội dung. Rồi đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều cấp, ngành sẽ phải xử lý rốt ráo để trả lại sự bình yên cho vùng đất Tiên Lãng. Nhiều bài học sẽ được rút ra nhưng có hai vấn đề nổi lên rất rõ, đó là hệ thống pháp luật về đất đai và năng lực, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức trong khi thi hành công vụ có nhiều chuyện đáng quan ngại.
Từ năm 1987 đến nay, Luật Đất đai được ban hành mới 3 lần vào các năm 1987, 1993 và 2003; sửa đổi, bổ sung 2 lần (1998 và 2001) và đã có hàng trăm văn bản hướng dẫn thi hành gồm Nghị định của Chính phủ, Thông tư, Quyết định, Chỉ thị của các Bộ, ngành. Có thể nói rằng hệ thống pháp luật về đất đai là đồ sộ, phức tạp và lại hay thay đổi khiến việc tìm hiểu, nắm bắt, thực hiện rất khó khăn. Nhiều vấn đề lớn như sở hữu đất đai, thời hạn giao đất, hạn mức sử dụng đất, thu hồi đất... đang là sự quan tâm luận bàn của các chuyên gia. Câu chuyện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng...luôn làm đau đầu các nhà quản lý, cũng luôn là điểm phát sinh khiếu kiện. Trong tổng số các vụ khiếu kiện thì khiếu kiện về đất đai chiếm tới 70% và có nhiều vụ việc dai dẳng, kéo dài...
Từ sự phức tạp đó của hệ thống pháp luật, các vấn đề tiêu cực, tham nhũng cũng phát sinh. Tình hình tham nhũng trong lĩnh vực đất đai ngày càng nghiêm trọng, phức tạp và tinh vi hơn. Nhiều cán bộ, công chức năng lực yếu kém không đủ khả năng hiểu biết thấu đáo các quy định của pháp luật về đất đai nên lúng túng, tùy tiện trong áp dụng. Một số khác lại lợi dụng sự phức tạp của pháp luật để sách nhiễu, trục lợi cá nhân. Theo đó mà đất đai lại vào “cơn nóng lạnh” cùng những cái đầu nóng lạnh thất thường của con người.
Sự việc ở Tiên Lãng không còn là chuyện riêng Tiên Lãng nữa. Trong kết luận về vụ việc này, Thủ tướng đã yêu cầu: “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước chủ động rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; đề cao trách nhiệm, tập trung giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai”.
Lần này cùng với việc sửa đổi Hiến pháp, Luật Đất đai cũng sẽ được sửa đổi cho phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Những hạn chế, chồng chéo của pháp luật rồi sẽ phải được khắc phục, các tiêu cực sẽ được chế ngự, đẩy lùi. Đất đai phải trở về đúng nghĩa là tài sản quý giá của quốc gia, là môi trường sống của con người chứ không phải là “miếng da lừa” để cho những kẻ tha hóa, cơ hội xâu xé, trục lợi.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc