Danh phận...
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo Đề án thì năm 2020 hình ảnh gạo Việt Nam phải được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và có mặt tại 20 thị trường xuất khẩu; thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất tại 50 quốc gia trên thế giới; 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam. Đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Là một sản phẩm với 20 năm có mặt tại thị trường thế giới, động thái này dù muộn nhưng cũng có thể coi là bước đột phá và đem lại nhiều hy vọng mới cho gạo Việt Nam. Hy vọng về việc tạo “danh phận” cho gạo Việt Nam sau ngần ấy năm đi trước, đến trước trên nhiều thị trường nhưng vẫn phải chịu cảnh lép vế, thậm chí phải mang một tên gọi khác do chưa có thương hiệu. Hệ lụy và cũng là nguyên nhân của việc chưa được “đăng ký khai sinh” này do gạo Việt Nam chủ yếu xuất bán dưới dạng thô, chất lượng thấp, giá rẻ. Bởi vậy, dù đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng thế giới về xuất khẩu gạo nhưng sản lượng không đi đôi với giá trị đã khiến cho đời sống nông dân trồng lúa ở nước ta vẫn cơ cực. Câu chuyện này của gạo cũng là đặc điểm chung của nhiều mặt hàng nông sản khác khi còn lỗ hổng quá lớn về tổ chức sản xuất, hầu hết vẫn là có gì bán nấy, có khi nào bán khi ấy, thiếu quy hoạch, kế hoạch khoa học mang tính chiến lược.
Dù cũng là muộn khi đến nay việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam mới được quan tâm để xúc tiến nhưng đây thực sự là bước đi tất yếu, nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thể lựa chọn con đường nào khác, nhất là khi Việt Nam trong số 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định được coi là mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21. Ngành nông nghiệp nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng, trong đó có lúa gạo nếu không thay đổi mình sẽ thua ngay trên “sân nhà” bởi TPP là cuộc chơi bình đẳng trong kinh doanh của tất cả các đối tác khi tham gia thị trường này. Tìm thời cơ trong thách thức, cũng hy vọng rằng, dù “sinh sau đẻ muộn” trong việc xây dựng thương hiệu nhưng những bài học kinh nghiệm tích lũy qua bề dày 20 năm xuất khẩu sẽ được vận dụng để chúng ta có bước đi vững chắc khi gạo Việt Nam đã thực sự có “danh phận”. Điều quan trọng nếu không nói “cái gốc”, “nhân vật trung tâm” của câu chuyện này là người nông dân. Giải quyết thực trạng “ba không” của gạo Việt Nam hiện nay: không thuần loại, không kiểm soát được dư lượng hóa chất và không truy xuất được nguồn gốc, từ đó làm cơ sở xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, không ai khác nông dân chính là người đóng vai trò chủ công để bảo đảm chất lượng của hạt gạo.
Và không chỉ dừng ở hạt gạo, hình ảnh nhiều hàng hóa nông sản của Việt Nam ùn ứ tại các cửa khẩu mỗi mùa vụ đến có lẽ rồi cũng cần lưu tâm để xây dựng, bảo vệ “danh phận” cả với một số mặt hàng nông sản khác.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc