Multimedia Đọc Báo in

“Nghĩa tình Trường Sơn” với lính biên phòng

11:22, 30/12/2011

Năm 2010, song song với việc thực hiện giai đoạn 2 của Cuộc vận động “Mái ấm người nghèo nơi biên giới”, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng còn triển khai xây dựng thêm 50 căn nhà nằm trong Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” trên địa bàn toàn tỉnh. Ngay trước thềm năm mới 2011, đã có nhiều ngôi nhà khang trang mang đậm dấu ấn người lính biên phòng bàn giao cho các hộ gia đình để họ kịp đón Xuân.

Chúng tôi được tham dự lễ bàn giao căn nhà đầu tiên nằm trong Chương trình tại thôn 4, xã Ia R’vê (huyện Ea Súp). Mặc dù trời đã gần trưa nhưng đông đảo người dân cùng đại diện chính quyền địa phương vẫn kiên nhẫn đợi chờ, bởi họ không muốn bỏ lỡ cơ hội chứng kiến và cùng sẻ chia niềm vui với gia đình ông Đặng Quang Dinh. Trong ngôi nhà khang trang, rộng đến 60m2, luôn luôn rộn ràng tiếng nói cười. Trên gương mặt in đậm dấu ấn một thời xông pha lửa đạn của người cựu chiến binh đã gần 60 tuổi trông rạng rỡ hẳn lên, như niềm vui ông đã từng cảm nhận được trong ngày hội non sông thống nhất. Cố kìm nén cảm xúc, ông Đặng Quang Dinh hồi tưởng: quê ông ở huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1971 ông lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào và xuất ngũ năm 1977. Năm 1979 theo lời kêu gọi tổng động viên, ông lại lên đường bảo vệ Tổ quốc cho đến năm 1981. Năm 2004 gia đình ông vào sinh sống lập nghiệp, định cư tại Ea Súp. Vùng đất biên giới, với biết bao khó khăn, khắc nghiệt vẫn không làm nản ý chí, bản lĩnh của người chiến binh. Ông cần mẫn, chăm chỉ lao động, tạo dựng được căn nhà, ổn định cuộc sống. Song năm 2009, ngôi nhà của ông bất ngờ bị đàn voi dữ về phá nát, khiến cả nhà phải sống trong một lán trại tạm bợ. Niềm vui đến thật bất ngờ khi ông được tin sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng xây nhà mới. Trong suốt thời gian thi công, không quản ngại đường sá xa xôi, những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ya T’mốt ngày ngày vẫn  xuống địa bàn, giúp gia đình ông xẻ gỗ, đào móng, dựng nhà. “Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, quý giá về vật chất của Chương trình thì chắc chắn mùa Xuân này đối với gia đình tôi sẽ không được trọn vẹn. Món quà lớn, bất ngờ, chứa đựng biết bao nghĩa tình của những người lính biên phòng như tiếp thêm động lực, nối kết chúng tôi gắn bó hơn với vùng biên giới”, ông Dinh tâm sự.

Bàn giao nhà tình nghĩa thuộc Chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" cho ông Đặng Quang Dinh.
Bàn giao nhà tình nghĩa thuộc Chương trình "Nghĩa tình Trường Sơn" cho ông Đặng Quang Dinh.

Còn tại TP. Buôn Ma Thuột, khi đến thăm ngôi nhà “Nghĩa tình Trường Sơn” được khởi công xây tặng gia đình ông Nguyễn Văn Nhài, trú tại khối 10, phường Ea Tam, chúng tôi lại cảm nhận được một không khí ấm áp, thắm tình quân dân khi chứng kiến hình ảnh những người lính mang quân hàm xanh không nề hà trời mưa đang góp sức cùng những đoàn viên thanh niên của phường tháo gỡ, giải phóng mặt bằng để ngôi nhà nhanh chóng được khởi công xây dựng và hoàn thành trước Tết. Thiếu tá Bùi Đình Hướng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bo Heng, đơn vị đảm nhận công trình cho biết: “Ông Nguyễn Văn Nhài là một cựu chiến binh, từng là lái xe cho Đoàn 559. Hiện nay ông đã gần 70 tuổi, sống một túp lều tạm bợ. Căn nhà này khi hoàn thành sẽ có diện tích khoảng 40 m2, giúp ông an dưỡng khi tuổi đã già. Tổng kinh phí xây dựng là 30 triệu đồng, hoàn toàn do Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” tài trợ”.

Thượng tá Nguyễn Như Ẩm, Trưởng Ban Vận động quần chúng (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) cho biết: Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” do Báo Sài Gòn giải phóng tổ chức và nhà tài trợ chính là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Chương trình được triển khai trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố nơi có tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đi qua, với 600 căn nhà tình nghĩa (mỗi căn được hỗ trợ 30 triệu đồng) xây tặng các gia đình thương binh, liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, hy sinh trên chiến trường Trường Sơn. Trên địa bàn tỉnh ta có 50 ngôi nhà nằm trong Chương trình và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư. Để công tác tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng đã thành lập Ban Chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị. Đồng thời phân công cán bộ trực tiếp về các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội cựu chiến binh để rà soát, nắm chắc đối tượng. Trong suốt thời gian xây dựng, chỉ huy các Đồn biên phòng được phân công xây dựng nhà trên địa bàn các huyện thường xuyên tổ chức hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ đến hỗ trợ ngày công làm nhà. Tất cả đều có chung suy nghĩ là mong muốn được góp một phần công sức để chia sẻ, tri ân với những người đã một thời hy sinh xương máu, tuổi trẻ cho độc lập - tự do của đất nước mà nay còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Đến thời điểm này, nhiều ngôi nhà đã được bàn giao, một số khác đang hoàn thiện và đưa vào sử dụng ngay trước Tết dương lịch.

“50 căn nhà chưa phải là nhiều, bởi chúng tôi biết hiện tại vẫn còn rất nhiều gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở. Song có thể nói 50 căn nhà trên, với 50 hoàn cảnh khác nhau, chứa đựng trong đó biết bao nghĩa tình của cán bộ, nhân viên ngân hàng cũng như tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đối với những hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa, “uống nước nhớ nguồn” đang được cả cộng đồng hướng đến hiện nay”, ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Dak Lak, đơn vị tài trợ kinh phí xây dựng 50 căn nhà trên chia sẻ.

 

Đăng Triều

 


Ý kiến bạn đọc