Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng những người mẹ

09:57, 29/11/2011

Trong những năm qua, huyện Krông Ana luôn là một trong những địa phương triển khai tốt công tác tuyển, chọn gọi công dân nhập ngũ, với số lượng, chất lượng năm sau cao hơn năm trước. Để đạt được những kết quả trên, trong nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, phải nói đến sự tham gia tích cực của các cấp Hội Phụ nữ. Bằng tấm lòng của những người mẹ, người chị, qua những việc làm thiết thực, ý nghĩa đã góp phần động viên con em yên tâm lên đường làm tròn nghĩa vụ đối với Tổ quốc.

Dù con trai đã tòng quân được hơn 2 tháng, song nhà ông Trần Trung Lân (thị trấn Buôn Trấp) vẫn thường có khách đến thăm. Đó là các chị em phụ nữ trong thị trấn. Họ đến để thăm hỏi tình hình sức khỏe cũng như điều kiện sinh hoạt ở môi trường quân ngũ, nơi con trai ông là Nguyễn Trung Kiên đang huấn luyện. Ông Lân cảm kích, nói: “Kiên là con trai út của tôi, vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp Thống kê Trung ương 2 về thì cũng là lúc có lệnh gọi nhập ngũ. Ban đầu gia đình phân vân lắm. Nhờ các chị phụ nữ thị trấn có mặt kịp thời giải thích, tuyên truyền nên gia đình mới hiểu, đưa cháu đi khám. Cháu trúng tuyển, gia đình ai cũng mừng, vì đây là cơ hội tốt cho cháu rèn luyện, tích lũy những kinh nghiệm hữu ích để lập thân, lập nghiệp sau này”. Cũng tham gia nghĩa vụ quân sự, nhưng gia đình Y Cúc Niê (buôn Đáp, xã Băng A Đrênh) thì lại nhận được sự giúp đỡ cụ thể hơn từ phía chi hội phụ nữ xã. Từ ngày Y Cúc đi nghĩa vụ, ruộng rẫy chỉ có mẹ chăm coi; các chị, các mẹ trong chi hội thay nhau, ai rảnh rỗi lại đến nhà Y Cúc phụ gia đình chăm sóc nương rẫy. Chi hội phụ nữ xã còn vận động chị em đóng góp được 1 triệu đồng, tặng gia đình Y Cúc. Ở đơn vị, khi nghe gia đình kể, Y Cúc yên tâm lắm, quyết phấn đấu, rèn luyện thật tốt trong thời gian 18 tháng quân ngũ. Hoàn cảnh nhà Y La Buôn Đáp cũng khó khăn không kém, chi hội đã vận động hội viên đóng góp, cho gia đình Y La vay 10 triệu đồng không lấy lãi để đầu tư phát triển chăn nuôi.

Hội viên phụ nữ thị trấn Buôn Trấp động viên thăm hỏi gia đình có con em tham gia nghĩa vụ quân sự.
Hội viên phụ nữ thị trấn Buôn Trấp động viên thăm hỏi gia đình có con em tham gia nghĩa vụ quân sự.
Chị Lê Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động giữa Ban Chỉ huy Quân sự với Hội LHPN nữ huyện, thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong toàn thể cán bộ, hội viên về nhiệm vụ quốc phòng, Hội Phụ nữ đã chỉ đạo các chi hội đẩy mạnh công tác hậu phương quân đội, xem đây là một trong những hoạt động thiết thực, cụ thể góp phần cùng toàn huyện hoàn thành thắng lợi những chỉ tiêu, nhiệm vụ quốc phòng của địa phương. Với vai trò là một thành viên trong Hội đồng Nghĩa vụ quân sự, hằng năm trước mỗi thời điểm tổ chức tuyển quân, các hội viên đã đến từng hộ gia đình có thanh niên trong độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự, tuyên truyền, giải thích quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Đồng thời, qua đó tìm hiểu tâm tư, nắm bắt hoàn cảnh từng gia đình, kịp thời có biện pháp đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhiều trường hợp gia đình cũng như bản thân thanh niên chưa ý thức rõ trách nhiệm, Hội Phụ nữ kiên trì giải thích, động viên, thuyết phục. Vì vậy, có trường hợp thanh niên đang đi lao động xa, nhưng khi có lệnh gọi khám sơ tuyển của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã cũng sắp xếp thời gian về, như trường hợp của Nguyễn Văn Phước ở thôn Ea Na (xã Dray Sáp). Song song đó, để kịp thời động viên tinh thần, thanh niên lên đường nhập ngũ, hội viên các cấp vận động, quyên góp, tổ chức liên hoan, trao quà cho thanh niên. Những món quà ý nghĩa, chứa đựng tấm lòng yêu thương của những người mẹ, người chị đến đúng lúc đã có tác dụng động viên rất lớn để thanh niên yên tâm lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự. Trong thời gian thanh niên tại ngũ, các hội viên phụ nữ ở địa phương vẫn duy trì hoạt động thăm hỏi, động viên gia đình quân nhân. Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bằng nguồn vốn huy động trong hội viên, tổ chức hội hỗ trợ cho vay vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi hoặc huy động ngày công, giúp gia đình thu hoạch mùa màng. Khi con em hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, các cấp hội luôn tổ chức đón tiếp chu đáo, nhiệt tình. Không những vậy, các chị, các mẹ còn tiếp tục huy động vốn giúp những thanh niên đang cần vốn để sản xuất chăn nuôi như trường hợp của anh Đoàn Chí Khương (xã Du Kmăn) được vay 15 triệu đồng để chăn nuôi. Các cấp hội phụ nữ huyện còn thể hiện ý thức trách nhiệm cao khi hăng hái tham gia vào các hoạt động triển khai nhiệm vụ quốc phòng-hằng năm tại địa phương. Cứ trước mỗi đợt huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, các chị, các mẹ lại đến từng nhà vận động quyên góp lương thực, thực phẩm, nhằm cải thiện bữa ăn, đảm bảo sức khỏe cho anh em trong suốt thời gian tham gia huấn luyện, với số tiền bình quân trên 10 triệu đồng/năm và hàng nghìn ki-lô-gam lương thực, thực phẩm.

Có thể nói, những việc làm tuy nhỏ nhưng hết sức ý nghĩa, xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm của những người mẹ, người chị, người em gái ở hậu phương đã giúp những chiến sĩ đang ngày đêm làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc có thêm động lực, niềm tin để phấn đấu rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tại ngũ.

Đăng Triều

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.