Tiếng kẻng dân phòng ở xã Krông Buk
5 năm nay, tiếng kẻng dân phòng ở xã Krông Buk (huyện Krông Pak) đã trở thành âm thanh quen thuộc không chỉ báo hiệu giờ nghiêm nghỉ mà còn là hiệu lệnh nhắn nhủ, triệu tập mọi người cùng tham gia bảo vệ an ninh trật tự địa bàn.
Đã thành thông lệ, từ năm 2007 đến nay, người dân thôn 8 (xã Krông Buk) có thói quen sau 22 giờ hằng ngày đều được nghe tiếng kẻng phát ra từ gia đình ông Dương Kim Lý, Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh thôn. Là người được thôn tin tưởng giao trọng trách duy trì tiếng kẻng, dù ngày mưa hay gió rét, ông vẫn đều đặn đánh kẻng. “Đánh một tiếng, báo cho người dân biết đã đến giờ nghiêm nghỉ, không gây ồn ào; đánh một hồi 3 tiếng liên tiếp báo hiệu có những kẻ đến gây rối an ninh - trật tự hoặc trộm cắp, hỏa hoạn cần huy động đội dân phòng và nhân dân tham gia vây bắt, cứu chữa”, ông Lý cho hay. Tiếng kẻng dân phòng ở thôn 8 không chỉ được lập nên bởi những người tâm huyết với vấn đề giữ gìn an ninh - trật tự địa bàn mà còn trải qua quá trình trải nghiệm lâu dài xuất phát từ tình hình thực tế ở địa phương. Anh Hoàng Sỹ Dong, công an viên xã Krông Buk, thành viên đội dân phòng thôn 8 cho biết, thời điểm trước năm 2007, tình hình an ninh - trật tự trên địa bàn thôn có nhiều diễn biến phức tạp, được xem là một trong những “điểm nóng” bởi thường xuyên có nhiều băng nhóm đến tụ tập, gây rối, đánh nhau, trộm cắp. Tình trạng đó kéo dài, con em của nhiều gia đình bị rủ rê, lôi kéo theo thói hư tật xấu làm cho nhân dân hết sức bất bình. Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo của xã, sự hướng dẫn của lực lượng công an xã, cấp ủy, ban tự quản thôn và các đoàn thể họp bàn xây dựng kế hoạch về bảo đảm an ninh - trật tự, trong đó nổi bật là việc thành lập tổ dân phòng gồm 4 thành viên và báo hiệu tiếng kẻng dân phòng. Ngoài trách nhiệm tuần tra kiểm soát nắm tình hình, đội dân phòng còn xây dựng nguồn tin cơ sở theo kiểu “gọng kìm”, người cuối thôn này là “tai mắt” của đầu thôn kia. Khi có tình huống xảy ra, các nguồn tin sẽ trực tiếp thông báo cho thành viên đội dân phòng, đội sẽ báo cho chi bộ, ban tự quản thôn xin ý kiến giải quyết. Trong trường hợp cấp bách sẽ đánh kẻng huy động nhân dân cùng tham gia. Từ cách làm trên, thời gian qua, thôn 8 đã giải quyết được nhiều vụ việc gây rối trật tự công cộng. Chẳng hạn như vào năm 2008, có một nhóm khoảng 30 người kéo đến thôn 8 gây rối. Là người đầu tiên phát hiện được sự việc, sau khi xin ý kiến của tổ dân phòng, ban tự quản thôn, ông Dương Kim Lý đã đánh 3 tiếng kẻng giục liên tục, người dân và các lực lượng địa phương có mặt kịp thời cùng trấn an, dàn xếp, giải quyết ổn thỏa. Chính nhờ tiếng kẻng dân phòng đã nhắc nhở người dân trong thôn luôn đề cao tinh thần cảnh giác để phòng ngừa và đấu tranh các loại tội phạm. Từ năm 2007 đến nay, người dân trong thôn đã phát hiện và cung cấp hàng chục nguồn tin có giá trị giúp cho các lực lượng công an điều tra, khám phá nhanh nhiều vụ việc.
Kẻng dân phòng thôn 8 (xã Krông Buk, huyện Krông Pak) được sử dụng từ năm 2007 đến nay. |
Có thể nói, sau 5 năm thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tiếng kẻng dân phòng và hoạt động của các đội dân phòng trên địa bàn xã Krông Buk đã phát huy trách nhiệm của mỗi người dân, gia đình trong việc bảo vệ tài sản của mình, của láng giềng và khu dân cư, góp phần giữ gìn an ninh - trật tự địa phương. Xóm thôn yên bình, gia đình hòa thuận, người dân trong xã ra sức thi đua lao động sản xuất, diện mạo thôn xóm ngày càng khởi sắc.
Ý kiến bạn đọc