Multimedia Đọc Báo in

Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp dân phát triển kinh tế nơi biên giới

13:20, 09/12/2011

Tham gia phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở các xã biên giới, hải đảo là một nội dung công tác có ý nghĩa chiến lược lâu dài, quan trọng của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các xã biên giới thực hiện tốt mô hình, việc làm giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Cùng với Trung úy Phan Văn Lâm, đội trưởng đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Ea H’leo, chúng tôi đến thăm mô hình trồng gừng của gia đình anh Lang Văn Hải, thôn Đừng, xã Ya Lốp (Ea Súp). Gia đình anh Hải từ quê hương Thanh Hóa vào định cư tại xã Ya Lốp năm 2008 theo dự án di dân của Nhà nước. Những ngày đầu lập nghiệp, gia đình anh gặp vô vàn những khó khăn, thiếu thốn. Năm 2011, cán bộ, chiến sĩ đội công tác vận động quần chúng của Đồn biên phòng 735 đã đến hướng dẫn kỹ thuật và giúp gia đình anh Hải triển khai thí điểm mô hình trồng gừng trong bao. Đến nay, qua hơn 5 tháng chăm sóc, 245 bịch gừng của gia đình anh phát triển tốt, củ to và không bị sâu bệnh. Dự kiến mỗi bịch cho thu hoạch 2 kg gừng và với 245 bịch, gia đình anh Hải sẽ thu được gần 5 tạ gừng. Tính theo giá hiện nay là 30.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình anh còn thu lãi trên 10 triệu đồng – một khoản thu nhập tương đối so với một hộ dân vùng biên. Cán bộ, chiến sĩ đội công tác vận động quần chúng Đồn 735 còn giúp phát triển mô hình trồng gừng ở gia đình chị Lang Thị Hoan. Hiện nay, 150 bịch gừng của gia đình chị phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn lãi đáng kể.

Chuồng nuôi nhím gia đình ông Khánh do cán bộ chiến sĩ Đồn 735 xây giúp.
Chuồng nuôi nhím gia đình ông Khánh do cán bộ chiến sĩ Đồn 735 xây giúp.

Tại Đồn biên phòng Ia R’vê, Thiếu tá Bùi Quang Tuyến, chính trị viên đồn dẫn chúng tôi đến thăm mô hình nuôi nhím của gia đình ông Nguyễn Văn Khánh, thôn 5, xã Ia R’vê do cán bộ, chiến sĩ của đội vận động quần chúng Đồn Ia R’vê hỗ trợ thực hiện. Qua gần 3 năm nuôi, từ một cặp nhím giống ban đầu, được sự tư vấn kỹ thuật và giúp đỡ nhân công của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, đến nay đàn nhím của ông Khánh đã phát triển thành 4 cặp, 2 cặp bố mẹ đang trong giai đoạn sinh sản. Để mô hình phát triển mang lại hiệu quả, đội vận động quần chúng của Đồn Ia R’vê đã giúp gia đình ông Khánh vật liệu và nhân công xây khu chuồng trại mới kiên cố bằng bê tông. Đàn nhím phát triển tốt nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và nguồn thức ăn rau, củ quả dồi dào mà gia đình ông Khánh trồng được. Năm 2010, Đồn Biên phòng Ia R’vê còn vận động các gia đình Lương Văn Lông, Hà Văn Tằm, Hà Văn Yêu và Phạm Văn Tươi ở thôn 14 phát triển mô hình trồng bí xanh cao sản sát dòng sông Ea H’leo. Cây bí phát triển tốt về mùa khô, kết quả, mỗi ha cho thu hoạch 10 tấn, trừ các khoản chi phí các gia đình còn lãi gần 40 triệu đồng. Nhờ mô hình này, từ chỗ thiếu ăn, đến nay nhiều hộ dân trong xã đã thoát nghèo và có của ăn, của để.

Thượng tá Nguyễn Như Ẩm, Trưởng Ban Vận động quần chúng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết trong những năm qua, các xã biên giới của tỉnh luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ bằng nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế nên hạ tầng cơ sở như hệ thống đường giao thông, điện thắp sáng, trường học và trạm y tế được đầu tư cải thiện, đời sống của người dân có sự thay đổi tích cực. Từ năm 2006 đến nay, các đồn biên phòng đã phối hợp với các xã biên giới triển khai các mô hình, hoạt động giúp dân tại các thôn, buôn, trong đó chủ yếu là các mô hình chuyển đổi cây giống, giống mang lại hiệu quả và phát triển bền vững. Đơn cử như: dự án cải tạo cánh đồng lúa nước buôn Drang Phôk và phát triển đàn bò lai tại xã Krông Na (Buôn Đôn); mô hình chuyển đổi và canh tác lúa giống mới tại xã Ea Bung (Ea Súp); mô hình trồng gừng, ớt, xoài lai tại xã Ya Lốp; mô hình nuôi nhím, trồng bí xanh cao sản tại xã Ia R’vê… đã từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới.
Những kết quả đạt được tuy còn khiêm tốn, song đã tạo điều kiện cho một số hộ dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo, là những mô hình điểm cho nhân dân học tập, nhằm thúc đẩy kinh tế vùng biên ngày càng phát triển, giúp người dân yên tâm bám trụ nơi biên giới cùng với lực lượng bộ đội biên phòng xây dựng củng cố thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Văn Nhương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.