Multimedia Đọc Báo in

Tình xuân biên giới gửi về hậu phương

08:58, 25/01/2012

Tết trong tâm thức của mỗi người con đất Việt luôn mang một ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc. Bởi vậy, mỗi độ Xuân về Tết đến, ai ai cũng sắp xếp công việc để đoàn tụ với gia đình đón Tết, mừng Xuân... Còn đối với người lính biên phòng, trong những ngày thiêng liêng ấy các anh lại mang trên mình một trọng trách cao cả hơn, đó là bảo vệ bình yên biên cương của Tổ quốc. Và trong khi hàng triệu gia đình sum vầy đoàn tụ đón Xuân, các anh vẫn phải chấp nhận hy sinh niềm vui, niềm hạnh phúc riêng để chắc tay súng giữa núi rừng heo hút.

Trước cột mốc biên giới
Trước cột mốc biên giới

Những làn gió cuối đông thổi về làm xác xao cánh rừng khộp đang mùa thay lá. Gió cởi sạch những lớp lá úa vàng giữa bạt ngàn rừng biên giới để dệt nên tấm áo khoác mỡ màu cho đất. Từng búp lá non xanh mơn mởn chực bung chồi đón một mùa Xuân mới. Khoảnh khắc giao mùa càng dạt dào xúc cảm khi giọng ca của Trung tá Nguyễn Hữu Phúc, Đồn trưởng Đồn biên phòng Ia R’vê khe khẽ, bồi hồi: “Về thăm thành phố náo nức mùa xuân ba lô trên lưng đơn sơ nhánh lan rừng…”. Nhánh lan rừng – bài ca tôi nghe đến cả trăm ngàn lần, nhưng sao khi anh Phúc hát, tôi thấy lòng mình dâng lên một niềm cảm xúc bồi hồi, nao nao đến lạ! Dường như hiểu được tâm trạng của “người thành phố”, anh Phúc giãi bày: “Đó là mơ ước của anh em chúng tôi, chứ lính biên phòng có mấy ai được hạnh phúc về thành phố đón xuân đâu!”. Giọng anh vẫn hào sảng, nhưng sao tôi nghe cổ mình nghèn nghẹn, dẫu rằng tôi đã quá biết, cũng như rất nhiều người đã biết, rằng: ăn Tết, đón xuân giữa rừng sâu núi thẳm đã là “truyền thống” của lính Biên phòng.

Kể về những cái Tết xa nhà, ngay cả chính anh Phúc cũng chẳng nhớ bao nhiêu mùa Xuân mình đã ở lại đơn vị cùng anh em, dẫu rằng mỗi mùa xuân trên biên giới là một kỷ niệm khó quên với mình. Trong ký ức của người đồn trưởng đã gần 30 năm gắn bó với biên cương, thì mùa Xuân năm 1988 có lẽ là cái Tết đáng nhớ nhất. Khi những dòng người tất tả ngược xuôi chuẩn bị đón Tết với gia đình thì vợ anh lại khăn gói từ Bắc vào Tây Nguyên thăm chồng. Đến Buôn Ma Thuột, không người thân thích, không phương tiện liên lạc, không biết đường vào đơn vị…, chị lạc lõng giữa thị xã hơn 10 ngày. Tình cờ có người đồng đội của anh từ đồn ra công tác gặp được mới nhắn tin anh ra. Hai vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi. “Thăm chồng được đôi ba ngày, vợ tôi lại phải về nhà lo việc đồng áng. Cứ thế, trong suốt thời gian tôi ở đây, vợ ở nhà tần tảo thay chồng phụng dưỡng cha mẹ, nuôi con khôn lớn. Lính biên phòng nếu không có những hậu phương vững chắc như thế, sẽ khó bám trụ lại giữa biên cương…”, anh Phúc tâm sự.

Trên đường tuần tra
Trên đường tuần tra

Câu chuyện của vị chỉ huy đơn vị càng khiến cho chàng Thiếu úy trẻ Nguyễn Văn Cát bồi hồi nhớ đến vợ, con. Anh tâm sự với chúng tôi mà cũng như đang nói với chính mình: “Giờ này ở quê nhà chắc vợ với con lại đang trông ngóng rồi đây. Lại thêm một cái Tết nữa mình đành lỗi hẹn với gia đình. Thương vợ tảo tần, thương đứa con gái gần 3 tuổi đầu chưa năm nào được bố lì xì mừng tuổi đầu năm mới…”. 9 năm vào quân ngũ, nhưng chỉ đôi lần anh được đơn vị sắp xếp cho về đón Tết với người thân, gia đình. Xa nhà, đặc biệt là vào mỗi dịp Tết, nỗi nhớ nhà, nhớ vợ thương con lại đeo đẳng bên anh trong từng giấc ngủ, bên mỗi bước tuần tra trên tuyến đầu Tổ quốc. Bao nhiêu kỷ niệm, nỗi nhớ mong đều được anh gói ghém, nâng niu qua từng tấm ảnh nhỏ cất trong ba lô cũ sờn. Để mỗi khi dừng bước hành quân, anh lại lấy ra... Anh bảo, dẫu đó là những kỷ niệm nhỏ bé, nhưng lại là động lực rất lớn để động viên, tiếp sức cho anh hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Cũng giống như anh Phúc, Cát cũng đã từng rất hạnh phúc khi cách nay mấy năm được vợ từ miền Trung vào tận đơn vị thăm chồng. Nhìn nẻo đường vào biên giới mùa khô gồ ghề, bụi tung mù trời, cây rừng khô trơ trọi lá, chị vợ không giấu được ái ngại. Nhưng rồi vì thương chồng, hiểu được trách nhiệm của chồng, chị nén nỗi lo động viên anh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Về quê, thi thoảng chị lại điện vào hỏi thăm xem rừng khộp mùa này có lá hay không?... Những ngày cuối năm cận kề, Cát lại tranh thủ mua vài bộ quần áo mới, món quà nhỏ gửi về cho vợ con, chủ yếu là mang ý nghĩa tinh thần để động viên vợ. Trong đó anh cũng không quên kèm theo một chiếc lá rừng đã được ép khô như món quà của vùng đất biên giới Tây Nguyên. Anh tâm sự: “Xuân về, ai cũng ngóng trông tin gia đình, xem ở quê chuẩn bị Tết đến đâu rồi?  Thú thật, có nhiều khi nỗi nhớ nhà trào dâng, muốn về nhà ngay. Nhưng cái ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua nhanh, chúng tôi lại tập trung ngay vào công việc để cố xua đi nỗi nhớ…”. Xuân năm nay lại cận kề, biết vợ ở xa thấp thỏm mong chồng nhưng Cát tình nguyện xin ở lại trực đơn vị, nhường suất nghỉ Tết cho những cán bộ, chiến sĩ trẻ có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Cũng như các đồng đội của mình, Thiếu úy Lê Tiến Nam (Đồn Đá Bằng) cũng đã xem những cái Tết xa nhà, xa người thân không còn là chuyện lạ. Quê ở tận Nghệ An, 5 năm bám trụ nơi tuyến đầu Tổ quốc, mỗi năm được về phép một lần nhưng lại không đúng vào dịp Tết. Cứ mỗi lần về, anh lại không quên mang theo vài nhánh lan rừng, như một kỷ niệm với Tây Nguyên. Cũng nhờ mấy nhánh lan rừng, ở quê nhà xa xôi, bố mẹ già cảm thấy đỡ nhớ con hơn. Mỗi mùa Xuân về lại đúng vào các dịp hoa lan thi nhau khoe sắc. Có lẽ với gia đình Nam thì mỗi nhành hoa là một niềm vui ngọt ngào của Tết biên cương gửi về với gia đình, người thân cảm thấy ấm lòng hơn…

Canh giữ biên cương
Canh giữ biên cương

Hôm chúng tôi ghé thăm Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) đóng tại xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn, gặp lúc Thượng úy Lê Hữu Lương đang tỉ mỉ hoàn thành nốt những chi tiết cuối cùng của một khung hình trái tim lớn làm từ vỏ đạn cũ. Nâng niu món quà mang đậm “chất lính” trong tay, anh bảo: Dẫu không về Tết với gia đình được, nhưng Xuân này chắc là gia đình mình sẽ ấm áp hơn bởi món quà ý nghĩa này. Người thân sẽ cảm nhận được hơi ấm của mình từ trái tim người lính… Đây là mùa Xuân đầu tiên anh ở lại đơn vị đón Tết cùng đồng đội kể từ năm 2009, khi anh được điều động công tác từ Đồn biên phòng cửa khẩu Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh). Dù đời lính của anh đã có không ít cái Tết xa nhà, nhưng khi những ngày cuối năm cứ trôi dần qua, nghe những bài hát mừng Xuân, lòng anh lại dâng lên một nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con da diết… Anh tâm sự: “Biết là Tết biên giới không buồn vì đã có đồng đội xung quanh nhưng cứ nghĩ đến cảnh cả năm đi biền biệt, có cái Tết cũng không về sum họp cùng vợ con, tôi lại trằn trọc thâu đêm… Nhưng rồi nhớ đến hình ảnh mọi nhà ở hậu phương đang yên vui đón Tết, nghĩ đến những đồng đội của mình ngoài đảo xa vẫn đang chắc tay súng, chúng tôi lại động viên nhau phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.

Cùng chung tâm trạng nhớ nhà, Thiếu úy Phạm Văn Kỳ bồi hồi nhớ cách đây mấy năm, được đồng đội ưu tiên về ăn Tết với gia đình. Cũng vào tầm này, anh đang loay hoay dọn dẹp nhà cửa, cất lại mái tôn, đóng lại từng chiếc chân bàn lâu ngày bị long đinh trong ngôi nhà thiếu đi bàn tay khỏe mạnh của người đàn ông. Dù là con trai duy nhất trong nhà, bố mẹ già lại thêm người vợ trẻ nhưng theo sự phân công của đơn vị, Kỳ gác lại tình yêu với vợ và trách nhiệm với gia đình, từ Nghệ An vào Tiểu đoàn nhận công tác. Không khí Xuân càng cận kề, anh nghe lòng mình lắng đọng một cảm giác nao nao thật khó tả. Xuân này Kỳ tình nguyện ở lại trực chiến tại đơn vị. Từng cơn gió lạnh cuối năm thổi về, lòng người lính trẻ xa nhà lại thao thức nhớ quê. Mùa này hay có những đợt gió mạnh, thường làm bung mái tôn nhà…

Nơi biên cương tổ quốc
Nơi biên cương tổ quốc

Dọc trên những tuyến đường tuần tra miền biên giới, mai rừng đang nở rộ. Từng vạt hoa rừng cũng đua nhau trổ bông khoe sắc đón Xuân. Nỗi nhớ nhà của những người lính biên cương lại cứ chực ùa về. Nhưng rồi những dòng cảm xúc thiêng liêng mà rất đỗi bình dị ấy cũng kịp được các anh đè nén trong tim, bởi trước mắt các anh là trọng trách bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của quê hương, Tổ quốc. Sự hy sinh thầm lặng ấy càng thêm ý nghĩa, khi mà ngày đêm các anh vẫn chắc tay súng nơi rừng sâu núi thẳm giữ vững biên cương, để gia đình các anh cùng hàng triệu gia đình khác ở hậu phương đón Xuân trong niềm vui yên bình…

Hoàng Đăng Lan

 


Ý kiến bạn đọc