Xã Cuôr Đăng: Chuyển biến từ công tác vận động quần chúng
Xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) trước đây vốn là một trong những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh chính trị. Song từ khi Đội công tác vận động quần chúng (VĐQC) của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được tăng cường xuống địa bàn vào năm 2005 và triển khai nhiều biện pháp đồng bộ đã tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc…
Xã Cuôr Đăng hiện có 6 buôn, với trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số tại chỗ; đa số theo 2 tôn giáo chính là Tin Lành và Thiên Chúa giáo. Đời sống của nhân dân nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế. Trước năm 2005 đây là địa bàn hoạt động mạnh của bọn phản động Fulrô cùng với các đối tượng tuyên truyền đạo trái phép, dẫn đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội diễn biến rất phức tạp. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, năm 2005 Đội VĐQC chính thức tăng cường xuống địa bàn làm nhiệm vụ tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, vận động nhân dân thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội…
Các thành viên trong Đội công tác VĐQC đến thăm, nắm tình hình địa bàn tại nhà Bí thư Chi bộ buôn Croa C. |
Thượng tá Đinh Sơn Hóa, Đội trưởng Đội VĐQC-một trong những người có mặt ngay từ những ngày đầu nhớ lại: “Khi mới đặt chân đến địa bàn anh em gặp không ít khó khăn trong việc tiếp xúc, xây dựng mối quan hệ với chính quyền, nhất là với nhân dân do tâm lý của đồng bào dân tộc tại chỗ ngại tiếp xúc với người lạ”. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những thành viên trong đội công tác chia làm 2 tổ phụ trách 2 địa bàn, mỗi địa bàn gồm 3 buôn, mỗi buôn có một đội viên trực tiếp đảm nhận đã không quản ngại đường sá đi lại khó khăn, điều kiện sinh hoạt ăn ở tạm bợ, kiên trì bám nắm địa bàn, thực hiện phương châm “4 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, cùng làm để tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào, tổ chức công tác dân vận bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả nhất như giúp đỡ các hộ gia đình chính sách, gia đình neo đơn lao động sản xuất, chăm sóc mùa màng, khám chữa bệnh cho bà con. Bên cạnh đó các thành viên trong đội VĐQC còn tìm cách tiếp cận với những người có uy tín tại địa phương, các già làng, trưởng buôn, tìm hiểu, lắng nghe tâm tư tình cảm, nguyện vọng của đồng bào để kịp thời có biện pháp đề xuất, tháo gỡ. Đặc biệt với một xã có đông đồng bào theo đạo Tin Lành và Thiên Chúa giáo, các thành viên trong Đội công tác đã từng bước xây dựng được mối quan hệ gần gũi, tin tưởng với các chức sắc tôn giáo. Hai bên thường xuyên duy trì mối liên hệ, phối hợp tổ chức các đợt phát động quần chúng, tập trung vào chủ đề bảo vệ an ninh Tổ quốc vào những dịp lễ kỷ niệm quan trọng của đất nước. Thông qua các buổi hội họp điểm nhóm, các thành viên trong đội VĐQC đã lồng ghép nội dung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tranh thủ ủy tín của các chức sắc, trưởng nhóm để nhắc nhở tín hữu, con chiên hưởng ứng thực hiện “sống tốt đời, đẹp đạo”. Nhờ đó đã góp phần hạn chế các trường hợp vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh trật tự; hoạt động tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn xã đi vào nền nếp, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Đội công tác VĐQC còn triển khai có hiệu quả một trong những nội dung của phương châm “4 bám” là bám chính quyền địa phương. Đây được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng tạo sự chuyển biến góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Bởi theo kinh nghiệm của Thượng tá Đinh Sơn Hóa thì có “bám” và gần gũi chính quyền địa phương, thì mới biết những vấn đề khúc mắc, những mặt mạnh yếu từng tổ chức xã hội để đưa ra những đề xuất tham mưu “trúng và đúng”. Trên cơ sở được phân công nhiệm vụ, từng cán bộ, đội viên thực hiện nhiệm vụ tham mưu theo mảng công việc, địa bàn phụ trách. Đội đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền rà soát hệ thống chính trị từ xã xuống ban tự quản, các đoàn thể của buôn, từng vị trí công tác, con người cụ thể, đánh giá chất lượng hoạt động ưu, khuyết điểm theo phương châm “thiếu thì bổ sung, yếu thì thay thế, luân chuyển”… Từ đó đề xuất, bố trí cán bộ phù hợp, phát huy được năng lực, sở trường từng người... Nhờ đó, hoạt động hệ thống chính trị cơ sở ngày càng đi vào nền nếp; các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… được củng cố, kiện toàn hoạt động hiệu quả. Cũng từ công tác bám chính quyền, bám dân, các thành viên trong Đội công tác có nhiều điều kiện tiếp xúc, theo dõi những đối tượng cá biệt… kịp thời ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền chống phá cách mạng. Kết quả là năm 2008 Đội VĐQC đã bóc gỡ được 1 cơ sở ngầm của Fulrô; đưa vào diện quản lý, theo dõi hàng chục đối tượng; phối hợp với các ban ngành đoàn thể đưa ra trước cộng đồng dân cư kiểm điểm, giáo dục nhiều đối tượng khác…
Cùng với kết quả các mặt công tác trọng tâm đã đạt được, Đội công tác VĐQC còn tích cực vận động đồng bào hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Được xem như là “người anh em” của đồng bào dân tộc tại chỗ, các thành viên trong đội công tác thường tham gia mọi hoạt động lễ hội của bà con. Từ đó, tìm hiểu những phong tục, tập quán tốt, cần phát huy, giữ gìn và vận động đồng bào dần loại bỏ những hủ tục lạc hậu. Ngoài ra, Đội VĐQC đã phối hợp với Tư pháp xã củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải; tích cực vận động bà con các buôn làng đoàn kết gắn bó, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Kết quả đến nay đã có 4/6 buôn trên địa bàn xã được công nhận buôn văn hóa.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc