Multimedia Đọc Báo in

Nơi “Bốn bề Tổ quốc lên tiếng gọi”!

16:53, 27/05/2013

Tôi gọi Trường Sa, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc là nơi “Bốn bề Tổ quốc lên tiếng gọi”, bởi có lẽ chẳng nơi đâu trên dải đất hình chữ S này lại in đậm dấu chân của những người con khắp mọi miền đất Việt như thế. Bằng tình yêu và trách nhiệm, họ cùng đến đây để chung lưng đấu cật, dốc sức vượt qua mọi khó khăn thử thách bảo vệ vững chắc bờ cõi thiêng liêng của đất nước…

Chiến sĩ Hải quân canh gác  cột mốc chủ quyền Tổ quốc.
Chiến sĩ Hải quân canh gác cột mốc chủ quyền Tổ quốc.

Trong chuyến hải trình kéo dài gần 20 ngày đến với biển đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc, mảnh đất đang thu hút mọi con tim người dân đất Việt hướng về - nơi trở thành biểu tượng thiêng liêng, sinh động, cụ thể nhất của tình yêu quê hương đất nước, chúng tôi đã gặp được những con người đến từ nhiều vùng, miền khác nhau đang công tác học tập, lao động hay làm nhiệm vụ canh gác biển trời trên những điểm đảo. Họ có thể là một anh lính hải quân chuyên nghiệp, hoặc là một giáo viên vượt trùng khơi tình nguyện ra gieo chữ ở đảo, hoặc là một ngư dân bình thường, có hộ khẩu mang tên Trường Sa đang ngày ngày bám biển mưu sinh… Dẫu mỗi người một công việc khác nhau, nhưng tất cả họ đều có một điểm chung, đó là đã chọn lựa “Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió ” làm quê hương lập nghiệp. Sự hiện diện của họ như một bằng chứng sống động, không thể phủ nhận về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Phút giây hội ngộ mừng mừng, tủi tủi giữa những người chưa một lần quen biết, gặp gỡ diễn ra như người thân trong gia đình. Mọi người tranh thủ, tận dụng quỹ thời gian ít ỏi để thăm hỏi, tìm hiểu đời sống sinh hoạt, công việc, những thử thách khắc nghiệt mà nếu không tận mắt chứng kiến sẽ khó có thể hình dung ra. Và trong câu chuyện ấy, chúng tôi được nghe kể về những người đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hy sinh những hạnh phúc riêng tư, tình nguyện ra đảo công tác, chiến đấu... Đó là chuyện về cô giáo trẻ Bùi Thị Nhung (quê ở Bình Định), người tiên phong ra gieo chữ ở đảo Trường Sa. Những cư dân trên thị trấn Trường Sa cho biết, trước lúc ra đảo, vợ chồng chị đang yên ổn với công ăn việc làm trên đất liền, chồng làm nghề lái xe, chị là một giáo viên dạy giỏi, nên khi chị bày tỏ nguyện vọng muốn ra Trường Sa dạy học, gia đình, bạn bè đều bất ngờ. Và dẫu đã xác định được những thử thách, khắc nghiệt, khó khăn gian khổ sẽ đối mặt trên quê hương mới, nhưng chị vẫn quyết tâm lên đường, thuyết phục chồng để nghe theo tiếng gọi từ trái tim, vượt trùng khơi ra định cư, “nhập khẩu” thành công dân chính thức của Trường Sa. Có cô giáo, cuộc sống trên đảo dường như sinh động hơn, những chủ nhân nhí tương lai của Trường Sa từ nay đã có người dạy học, truyền đạt kiến thức… Cũng trên đảo Trường Sa lớn, tôi đã tình cờ gặp gỡ một đồng hương Dak Lak, anh lính trẻ Phạm Trung Kiên (nhà ở huyện Krông Pak), ra đảo công tác từ tháng 12-2011. Vừa tốt nghiệp THPT, Phạm Trung Kiên đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ, làm lính hải quân, với mong ước khát khao là tiếp nối nhiệm vụ vinh quang của người đồng đội, người đàn anh cùng huyện đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ tại nhà giàn 2A/DK1-6, thuộc bãi cạn  Phúc Nguyên là Liệt sĩ Vũ Quang Chương. “Phục vụ trong lực lượng Hải quân luôn là ước mơ của em, vì thế khi được phân công ra Trường Sa làm nhiệm vụ em đã nguyện sẽ cùng với đồng chí đồng đội, dốc hết sức mình, bám đảo, bám biển quyết giữ vững chủ quyền của đất nước”, Kiên tâm sự.

Vẻ tươi đẹp của đảo xã Song Tử Tây, một điểm đảo trên quần đảo Trường Sa.
Vẻ tươi đẹp của đảo xã Song Tử Tây, một điểm đảo trên quần đảo Trường Sa.

Còn ở đảo Sơn Ca, trong buổi triển lãm ảnh do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, với chủ đề về cuộc sống sinh hoạt của những người ở hậu phương, tôi đã bắt gặp một sĩ quan lặng lẽ trước bức ảnh một em bé ngủ võng, người mẹ đong đưa, trong ảnh là một bài thơ thay cho lời bình: “Con ơi con ngủ cho ngoan, để anh chiến sĩ vơi cơn nhớ nhà…”. Anh là Đại úy Dương Văn Tài, quê ở Hà Tĩnh, một trong những người gắn bó lâu nhất ở đảo. Anh cho biết, thời gian gần nhất anh được về thăm nhà cách đây đã tròn 2 năm, khi con trai đầu lòng mới được 7 tháng tuổi, từ đó đến nay anh chưa có dịp về lại nên lòng lúc nào cũng nhớ gia đình, nhớ con trai nhỏ! Những lúc nhàn rỗi anh lại lấy hình con gửi từ đất liền ra, miết ngón tay lên từng nét mặt thân yêu của con để phần nào vơi nỗi nhớ. Mọi người có thể đọc được trong ánh mắt anh nỗi nhớ day dứt ấy, song ngẫm lại càng thêm cảm phục hơn khi biết anh đã vượt qua  thử thách lớn lao ấy như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh chia sẻ: “Đã là lính mà anh, phải tập làm quen với điều đó, xem đó như “điều đương nhiên” thì mới toàn tâm, toàn ý chu toàn nhiệm vụ được.”. Nghe anh trải lòng, chúng tôi càng trân trọng, thấu hiểu hơn những hy sinh lặng thầm của những người lính đảo xa nhà khi họ đã nén lòng, vượt qua mọi thiếu thốn về tình cảm để chắc tay súng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

   Trên quần đảo Trường Sa, cùng chung vai sát cánh với những chiến sĩ Hải quân còn có các ngư dân sinh sống trên đảo. Họ cũng tình nguyện đưa gia đình đến với đảo xa, xem “Đảo là nhà, biển trời bao la là quê hương”. Lý do để họ đến với Trường Sa, mà theo diễn đạt một cách nôm na, giản dị của những ngư dân chân chất, cần cù ấy là “Biển này là biển của mình mà, và chẳng nơi đâu lại giàu, đẹp, nhiều cá tôm như nơi này!”. Và thế là họ kéo nhau đến, tạo nên những ngôi làng yên bình trên đảo. Sáng sáng, chiều chiều họ lại dong thuyền ra biển đánh bắt cá tôm. Đêm về, những ngư dân ấy lại trở thành người chiến sĩ dân quân, cùng với những người lính Hải quân canh gác, bảo vệ vững chắc biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, để khúc Quân ca Trường Sa “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây giữ gìn quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa, dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua…” mãi luôn vang vọng giữa biển trời Tổ quốc.

Đăng Triều 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.