Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Năng: Tập trung nâng cao chất lượng tân binh nhập ngũ

08:42, 17/07/2013

Năm 2013 là năm đầu tiên Quân khu 5 ra “tối hậu thư” cho các địa phương thực hiện công tác tuyển quân tuyệt đối không để xảy ra trường hợp đổi, bù tân binh. Trước chỉ đạo này, các địa phương được giao chỉ tiêu tuyển quân đợt 2 (trong đó có huyện Krông Năng) buộc phải đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm chất lượng tân binh nhập ngũ.

Krông Năng được giao chỉ tiêu tuyển chọn 180 công dân nhập ngũ, đến thời điểm này huyện đã cơ bản hoàn thành công tác xét duyệt chính trị và tổ chức sơ khám sức khỏe ở 2 cấp. Theo báo cáo của Hội đồng nghĩa vụ quân sự (HĐNVQS) huyện, ở cấp xã có 4.171 thanh niên qua sơ khám sức khỏe, sau khi kết thúc khám tuyển cấp huyện còn 560 thanh niên đạt tiêu chuẩn sức khỏe nhập ngũ. Về kết quả xét duyệt chính trị, 100% thanh niên bảo đảm đủ các tiêu chí, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt… sẵn sàng lên đường nhập ngũ. Hiện tại, địa phương đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, tổ chức họp HĐNVQS huyện, thông qua hồ sơ xét duyệt ở cấp huyện và cấp tỉnh để chốt danh sách cuối cùng, kịp thời phát lệnh gọi theo đúng kế hoạch. Theo HĐNVQS huyện, chất lượng tuyển quân năm nay có những chuyển biến đáng kể, nhất là ở 2 tiêu chí: chính trị và sức khỏe. “Qua thực tế công tác tuyển quân, chúng tôi nhận thấy, thông thường các địa phương để xảy ra trường hợp đổi bù tân binh đều rơi vào 2 trường hợp là không bảo đảm sức khỏe hoặc có vấn đề về lý lịch. Vì vậy khi thực hiện tuyển quân, nếu 2 khâu này được tiến hành chặt chẽ, theo đúng nguyên tắc thì chắc chắn sẽ không xảy ra trường hợp đổi bù”, Thiếu tá Trần Đình Hùng, Trợ lý quân lực đúc rút kinh nghiệm. Để nâng cao chất lượng tuyển quân, HĐNVQS huyện đã áp dụng đúng Thông tư của Bộ Quốc phòng hướng dẫn về tiêu chuẩn chính trị, nguyên tắc, thủ tục tuyển chọn công dân nhập ngũ; giao trưởng công an, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự các xã, thị trấn trực tiếp thẩm tra, xác minh và kết luận tiêu chuẩn chính trị của người được xét duyệt, hồ sơ phải đúng, đủ, thể hiện rõ các mối quan hệ, lý lịch, nhân thân và có kết luận về phẩm chất đạo đức... Để triển khai tốt quy trình trên, các thành viên chủ chốt trong HĐNVQS được tổ chức tập huấn, quán triệt Thông tư 76 của Bộ Quốc phòng; tăng cường công tác phối hợp, rà soát địa bàn, tổ chức tốt khâu thâm nhập “3 gặp, 4 biết” (gặp địa phương, gia đình, người nhập ngũ; biết lý lịch gia đình, sức khỏe, văn hóa, nguyện vọng, thái độ chính trị của người nhập ngũ…),  tuyệt đối không để sót trường hợp công dân vi phạm một trong các tiêu chuẩn về chính trị vào hàng ngũ quân đội.

Tiễn các tân binh huyện Krông Năng lên đường nhập ngũ đợt 2-2013.
Tiễn các tân binh huyện Krông Năng lên đường nhập ngũ đợt 2-2013.

Cùng với đó, Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Y tế huyện cũng chủ động chuẩn bị trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhân lực, phục vụ công tác khám tuyển ở cả 2 cấp. Đồng thời địa phương củng cố, kiện toàn lại Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự các cấp, tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế theo tinh thần nội dung Thông tư liên tịch 36 (Bộ Y tế-Bộ Quốc phòng) về hướng dẫn khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự. Theo đó, ở tuyến cơ sở, lực lượng y tế xã tổ chức khám sàng lọc, loại những trường hợp công dân trong độ tuổi nhập ngũ không đủ sức khỏe, thể lực theo hướng dẫn của Thông tư, sau đó chốt danh sách chuyển lên Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự huyện khám tổng quát nhằm đưa ra kết luận chính xác nhất. “Có thể nói nhờ làm tốt quy trình khám tuyển sức khỏe cũng như xét duyệt chính trị chặt chẽ, nghiêm túc nên chất lượng tân binh năm nay của huyện đã được nâng cao rõ rệt, giúp địa phương hoàn thành được số lượng, song vẫn bảo đảm chất lượng tân binh giao quân”, Trung tá Trịnh Xuân Ba, phó chỉ huy phụ trách dự bị động viên cho biết.

Thảo Nhi

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.