Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn người lính Cụ Hồ nơi vùng biên cương

20:08, 22/02/2015

Xã biên giới Ia R’vê (huyện Ea Súp)-mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc, nơi những người lính biên phòng ngày đêm sát cánh, chung sức cùng nhân dân các dân tộc sinh sống trên địa bàn tạo thành bức phên giậu vững chắc, bảo vệ bờ cõi biên cương đang có sự chuyển mình, thay da đổi thịt, vươn lên mạnh mẽ từng ngày. Và trong sự đổi thay ấy, in đậm dấu ấn của những người lính mang quân hàm xanh…

Từ những ngôi nhà ấm nghĩa tình

Năm nay, khi đã bước qua tuổi 61 ông Đặng Quang Dinh mới được tận hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc khi được sở hữu ngôi nhà khang trang, mang tên “Nghĩa tình Trường Sơn”. Trong ngôi nhà ấm áp, thắm đậm nghĩa tình đồng đội, ông trải lòng: năm 2004 ông dắt díu gia đình từ quê Hà Tĩnh vào đây lập nghiệp. Có lẽ cuộc sống trên quê hương mới sẽ không quá khó khăn, vất vả bởi với bản tính cần cù, chăm chỉ ông có thể tần tảo làm ăn, tự tin gây dựng cuộc sống sung túc. Thế nhưng bao nhiêu tiền của ông chắt bóp được đều đổ vào việc chạy chữa những cơn đau-dấu tích của vết thương thời chiến lưu lại mỗi khi trái gió trở trời. Ước mơ xây ngôi nhà mới ngày càng xa dần tầm tay ông. Cảm thông với người đồng chí, đồng đội đã một thời từng xông pha lửa đạn, không tiếc máu xương, hy sinh tuổi xuân cho độc lập tự do của đất nước, Đồn biên phòng Ia R’vê đã tham mưu cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, vận động kinh phí xây nhà tình nghĩa, giúp ông ổn định cuộc sống. “Cảm ơn các chú biên phòng rất nhiều về món quà ý nghĩa, bất ngờ này. Món quà không chỉ là sự động viên kịp thời về vật chất và tinh thần mà còn trở thành sợi dây gắn kết, giúp tôi thêm yêu, thêm gắn bó với vùng biên để chung sức, cùng các anh giữ vững chủ quyền biên giới của Tổ quốc” ông Dinh cảm kích nói.

Cùng chung niềm vui có nhà mới như ông Đặng Quang Dinh, ông Hồ Văn Điều cũng đang hồ hởi, dọn dẹp chuẩn bị đón Xuân trong ngôi nhà mới mang tên “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, cũng do bộ đội biên phòng xây tặng. Năm 2004, ông Hồ Văn Điều từ Bến Tre lên lập nghiệp trên biên giới Ea Súp, mặc dù đã tần tảo, siêng năng lao động như bao nông dân khác, song do thời tiết khí hậu không ủng hộ, mùa màng năm được, năm mất, làm lụng chỉ đủ trang trải qua ngày, không dư dả, để dành dụm cất ngôi nhà mới, đôi lúc ông đã nảy sinh ý định quay về nơi chôn nhau cắt rốn. Trung tá Đồng Văn Triệu, Đồn trưởng Đồn biên phòng Ia R’vê cho biết: hiểu được tâm tư của ông và để động viên những người đã tình nguyện xa quê hương, vào biên giới cùng chung lưng đấu cật với lực lượng biên phòng bảo vệ bờ cõi biên cương, giúp họ có ngôi nhà an cư lạc nghiệp, Đồn đã tham mưu cho Bộ Chỉ huy, xây nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” tặng gia đình ông. “Có nhà mới, cuộc sống đã ổn định nên tui không còn ý nghĩ bỏ về quê nữa. Các anh biên phòng đã quan tâm, xem tui như anh em trong nhà, lo đến tận chỗ ở thì mình phải ý thức trách nhiệm gắn bó với vùng đất này, đoàn kết với 22 dân tộc anh em khác trên địa bàn, cùng “đồng cam cộng khổ”, sẻ chia ngọt bùi, sát cánh với các anh giữ gìn bờ cõi quê hương chứ. Mà không riêng gì tui, cả xã Ia R’vê này có đến 49 hộ được tặng nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” cùng đồng lòng, quyết tâm như vậy”, bằng giọng điệu khẳng khái, bộc trực, chân chất của người miền Tây sông nước, ông Hồ Văn Điều khẳng định.

Nhân viên quân y khám bệnh cho trẻ em trên địa bàn xã.
Nhân viên quân y khám bệnh cho trẻ em trên địa bàn xã.

Đến giếng nước - biểu tượng tình quân dân

Song song với việc vận động kinh phí, hỗ trợ nhà ở, những người lính mang quân hàm xanh đóng chân trên địa bàn xã còn quan tâm, chăm lo đến những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hằng ngày của người dân. Với đặc thù khí hậu biên giới khắc nghiệt, vào mùa khô tất cả các giếng nước đều cạn trơ đáy, dẫn đến tình trạng thiếu nước uống trầm trọng, người dân phải đi xa vài km ra tận sông Ea H’leo chở nước về sử dụng. Để giải “bài toán” nước sạch cho người dân, các anh đã tiến hành khảo sát, khoan 7 giếng nước ngầm sâu gần trăm mét tại các thôn, dốc công bỏ sức xây bể chứa, đào đường ống, dẫn nước về tận từng nhà, “giải hạn” cơn khát, đem lại niềm vui khôn tả cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã. Ông Đinh Văn Niềm sẻ chia: “Các chú không ở đây nên chưa biết nước ngọt ở biên giới quý như thế nào, để có nước sạch sử dụng vào mùa khô, người dân phải tốn kém tiền của xây dựng các bể chứa, đến mùa mưa thì hứng nước vào để dành sử dụng cho nấu nướng, còn nước sinh hoạt thì phải đi chở từ sông về dùng, dẫu biết là không hợp vệ sinh. Bằng tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm, tận lực, các chú biên phòng đã đi huy động kinh phí, xây mỗi giếng nước trị giá 50 triệu đồng, giúp người dân nơi đây có nước dùng”.

Cùng với những ngôi nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, nhà “Nghĩa tình Trường Sơn”, những giếng nước này đã trở thành biểu tượng, minh chứng sinh động, cụ thể của tình đoàn kết, gắn bó quân dân cá nước. Bên cạnh những “giếng nước - tình quân dân”, các chiến sĩ biên phòng còn quan tâm, chăm lo đến sức khỏe hằng ngày của người dân qua việc vận động kinh phí trên 350 triệu đồng, xây phòng khám quân dân y kết hợp trên địa bàn xã Ia R’vê và cử nhân viên quân y, thường trực 24/24 giờ, sẵn sàng khám chữa bệnh, điều trị cho người dân mỗi khi ốm đau.

Và những mô hình giúp dân phát triển kinh tế

Gắn bó với người dân nơi biên giới, xem họ như gia đình, anh em ruột thịt trong nhà, những người lính biên phòng trên địa bàn biên giới Ia R’vê còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm khi tích cực tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, chủ động tìm tòi, nghiên cứu những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, khả thi, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương, qua đó giúp nhân dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo 1% mỗi năm. Đơn cử như Đồn đã triển khai mô hình nuôi nhím giống cho hộ ông Nguyễn Văn Sánh, bước đầu hứa hẹn thành công nhờ có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo. Để triển khai mô hình này, Đồn biên phòng Ia R’vê đã đảm nhận bảo trợ về mặt pháp lý, đăng ký với cơ quan kiểm lâm về các điều kiện, quy định nuôi nhốt động vật hoang dã và cử cán bộ học tập kỹ thuật, trực tiếp theo dõi, hướng dẫn nuôi tại nhà cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm... giúp gia đình ông có thêm thu nhập vài chục triệu đồng/năm. Hay như việc các cán bộ của Đồn đã trực tiếp xuống địa bàn, phổ biến kỹ thuật và khuyến khích nhiều hộ dân mạnh dạn trồng bí cao sản, trồng thăng long, gừng… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không những vậy, các anh còn sẵn sàng bỏ tiền túi, mua cây, con giống, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có thêm điều kiện để vươn lên, ổn định cuộc sống…

Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Ia R’vê nhìn nhận, đánh giá cao những đóng góp mang đậm dấu ấn của những chiến sĩ biên phòng trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên diện mạo tươi sáng, khởi sắc cho xã vùng biên. “Song song với sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, như Chương trình 134, 135… thì có thể khẳng định cùng với sự đồng hành, chung tay góp sức của lực lượng biên phòng đóng chân trên địa bàn đã giúp bộ mặt nông thôn của xã đổi thay từng ngày. Cuộc sống no ấm, hạnh phúc, tươi vui hiển hiện ngay trong những căn nhà khang trang mang tên “Nghĩa tình Trường Sơn”, nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” hay hàng chục công trình dân sinh ý nghĩa, thiết thực, trị giá hàng tỷ đồng phục vụ đời sống nhân dân”, ông Lê Thanh Hải nói.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.