Multimedia Đọc Báo in

Xuân của lính xa nhà

21:56, 19/02/2015

Dak Lak vào xuân, khắp buôn làng hoa cà phê bung trắng xóa, tỏa hương ngào ngạt, tạo nét đặc trưng riêng cho vùng đất đầy nắng, gió. Khắp mọi miền, người người đua nhau sắm áo mới, nhà nhà tưng bừng không khí xuân; những giai điệu của khúc nhạc xuân vang lên hân hoan: Xuân đã về!

Bát ngát hương xuân

Khi không khí xuân đã tràn về, nhà nhà đoàn tụ, náo nức chuẩn bị Tết thì ở Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 (Bộ Tư lệnh đặc công), công tác chăm lo, mừng xuân mới cũng tưng bừng, rộn rã hơn ngày thường. Dạo một vòng khắp Lữ đoàn, các Liên đội 20, 35, 37… chỗ nào cán bộ, chiến sĩ cũng nhộn nhịp “trang điểm” cho doanh trại. Dưới bàn tay khéo léo, những “nghệ nhân” không chuyên của Lữ đoàn đã cắt tỉa gọn gàng từng cây cảnh, sơn ve, tu sửa ngõ cổng, tường rào; còn “họa sĩ” binh nhất, binh nhì thì trổ tài viết thư pháp. Cách đó không xa, một nhóm chiến sĩ khác lại chăm sóc bồn hoa rực rỡ sắc màu… Tất cả mọi người đều nhộn nhịp, vui tươi, mong có cái Tết ấm cúng cho “đại gia đình”. 

Năm nào cũng vậy, mở đầu cho hoạt động đón Tết ở đơn vị là thi gói bánh chưng xanh. Cuộc thi thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ các đội, liên đội, phòng ban trong Lữ đoàn. Hoạt động này không đơn thuần là sự so tài, khéo tay, mà còn thể hiện truyền thống văn hóa dân tộc Việt mỗi dịp xuân về, Tết đến. Ít ai ngờ, những chàng lính đặc công vốn chỉ quen với thao trường, huấn luyện, lại có thể khéo tay, tài hoa đến như vậy. Chỉ cần mua thêm gạo nếp, đậu xanh, gừng, dừa… qua bàn tay chiến sĩ đã thành những chiếc bánh chưng vuông vức, bánh tét tròn lẳn, chắc nịch, gói mứt dừa, mứt gừng thoảng hương thơm… Binh nhất Trương Thanh Nam (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) hồ hởi khoe: “Ở nhà, quen ăn bánh bố mẹ làm, nhưng em chẳng biết được các công đoạn chuẩn bị đến thành phẩm sẽ kỳ công như thế nào. Ở đơn vị ngay cả khi bánh chưng đã ra lò, em vẫn không tin là mình lại gói được đẹp đến vậy, tất cả là nhờ sự chỉ dẫn tận tình của đồng đội”.  

Các chiến sĩ hào hứng tham gia cuộc thi gói bánh chưng xanh.
Các chiến sĩ hào hứng tham gia cuộc thi gói bánh chưng xanh.

Mặc dù thị trường Tết đắt đỏ, nhưng hậu cần đơn vị vẫn rất tự tin, bởi cá, bò, heo… đều có sẵn trong ao, trong chuồng, thực phẩm rau từ loại bình dân như rau dền, rau bí, cải ngọt… đến cao cấp như nấm sò, măng, cà rốt, bắp cải… đều “của nhà trồng được” vừa tươi sống, vừa bảo đảm vệ sinh. Mâm cơm đầu xuân được dọn ra với đầy đủ bánh chưng xanh, dưa hành, giò thủ… tất cả những món ăn này đều do bàn tay của những người lính đảm trách. Tết nào cũng vậy, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ luôn được chuẩn bị chu đáo tươm tất. Ngoài chế độ theo quy định của Nhà nước, cán bộ chiến sĩ được Lữ đoàn, Bộ Tư lệnh Đặc công và Bộ Quốc phòng hỗ trợ thêm kinh phí, quà Tết nhằm động viên thêm tinh thần quân nhân.

Tết “ấm tình đồng đội, thắm tình quân dân”

Với người Việt, Tết luôn là dịp để gia đình sum họp, đoàn tụ, nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng nên 100% chiến sĩ đón Tết xa nhà. Ấn tượng nhất với các chiến sĩ có lẽ là đêm 30, thời khắc Tết đến rất gần khiến cảm xúc dâng trào. Trong cái lạnh của đêm khuya, mùi hương thơm ngát của bánh trái, mùi thơm của nhang khói… tất cả tạo không gian vừa gần gũi, vừa mới lạ. Để chiến sĩ vơi đi nỗi nhớ nhà, các đơn vị tổ chức “gặp nhau cuối năm” bằng những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, có cả tiểu phẩm hài, tấu vui nhộn… sau mỗi phần trình diễn, “nghệ sĩ” đều được tặng quà, phần thưởng nhiều khi chỉ là tràng vỗ tay, nhưng cũng đủ ấm lòng. Giây phút giao thừa, mọi người cùng nhau xem màn pháo hoa đầy sắc màu trên ti vi chào đón năm mới và lắng nghe Chủ tịch nước chúc Tết…

Sau khoảnh khắc giao thừa, đơn vị nối máy, tạo điều kiện cho quân nhân liên lạc, thăm hỏi gia đình. Binh nhất Y Trương Byă (xã Krông Jin, huyện M’Drak), chàng trai tuổi 20 lần đầu tiên xa nhà đã nghẹn ngào: “Em nhớ nhà lắm, chưa bao giờ em xa gia đình trong những dịp này, nhưng cũng rất tự hào vì được đón Tết trong đơn vị. Cán bộ đơn vị tâm lý lắm, các anh chế biến nhiều món ăn truyền thống của đồng bào Êđê để bọn em có thể thưởng thức, lại vừa tổ chức nhiều trò chơi thú vị, giúp bọn em vơi bớt nỗi nhớ nhà”. Còn Trung sĩ Vũ Trí Bảo (xã Ea Tam, huyện Krông Năng), đây không phải là cái Tết đầu tiên xa nhà, cũng không phải lần đầu đón Tết ở môi trường quân ngũ, nhưng vẫn thấy xốn xang lạ kỳ. Bảo tâm sự: “Qua điện thoại, biết được bố mẹ và mọi người mạnh khỏe, cả nhà quây quần bên nhau là vui rồi. Còn ở đơn vị, Tết vui không thua kém bên ngoài, 2 năm được đón Tết ở đây có lẽ là những khoảnh khắc đặc biệt trong cuộc đời tôi, dù xa nhà, nhưng bên cạnh luôn có đồng đội sẻ chia, gần gũi”…

Tâm sự với chúng tôi, Thượng tá Phan Ích Dân, Phó Chính ủy Lữ đoàn cho biết, trong những ngày Tết, đơn vị triển khai nhiều hoạt động cho bộ đội đón một cái Tết thực sự “ấm tình đồng đội, thắm tình quân dân”. Ngay sau đêm giao thừa, đơn vị sẽ khai mạc các trò chơi: ném vòng cổ chai, bịt mắt bắt vịt, các gian hàng đón hội chợ xuân… đậm đà bản sắc văn hóa. 

Không chỉ lo Tết cho đơn vị, đã nhiều năm nay, Tết nào Lữ đoàn cũng tổ chức cho bộ đội viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm, chúc Tết cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, ban, ngành và nhân dân địa phương; chăm lo, hỗ trợ Tết cho các gia đình chính sách, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn… 

Làm nhiệm vụ đặc biệt trên địa bàn chiến lược, nên song song với những hoạt động vui xuân, đón Tết, Lữ đoàn Đặc công Bộ 198 luôn duy trì nghiêm túc các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng làm nhiệm vụ cơ động khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.