70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Công an Nhân dân Đắk Lắk
1. Các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Đắk Lắk tham gia cuộc đấu tranh chống phản cách mạng, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng
Sau khi chiếm được những nơi xung yếu ở Đắk Lắk, thực dân Pháp đã thi hành những chính sách bóc lột rất nặng nề đối với đồng bào các dân tộc tại đây. Trước sự tàn ác của thực dân Pháp, nhân dân Đắk Lắk liên tục đứng lên đấu tranh, các chiến sĩ Cộng sản đã biến nhà tù thành trận tuyến đấu tranh của mình. Sau khi cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, Đảng ta đã rút ra được bài học kinh nghiệm đó là cần phải xây dựng, tổ chức, duy trì và phát triển “Lực lượng tự vệ” để bảo vệ quần chúng và phong trào cách mạng. Trên cơ sở đó, ở Đắk Lắk, tháng 4-1945 tổ chức bí mật ở đồn điền CADA do đồng chí Phan Kiệm và Nguyễn Trọng Ba được thành lập, sau đó đã phát triển thành Đội tự vệ CADA vừa lao động sản xuất vừa có nhiệm vụ canh gác, dò xét quân địch, thông tin cho đoàn thể. Tiếp sau Đội tự vệ CADA, các Đội tự vệ ở các đồn điền khác và các buôn làng dọc đường quốc lộ 21 cũng lần lượt được thành lập và phát triển mạnh. Riêng ở thị xã Buôn Ma Thuột tuy không thành lập Đội tự vệ nhưng tổ chức thanh niên phát triển mạnh, thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của địch, nhất là bọn mật thám Pháp, Nhật, các tổ chức, đảng phái phản động và báo cáo kịp thời cho cán bộ để có kế hoạch đề phòng, kịp thời đối phó mọi âm mưu, thủ đoạn của địch.
Lãnh đạo Công an tỉnh và cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh xã hội thăm, gặp mặt các thành viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh. Ảnh: Trọng Tính |
Ra đời trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các Đội tự vệ đã làm nhiệm vụ bảo vệ các cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng, bảo vệ các hoạt động cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Đó là các tổ chức tiền thân của lực lượng vũ trang trong tỉnh nói chung, đồng thời cũng là những tổ chức tiền thân của lực lượng Công an Đắk Lắk nói riêng.
2. Cách mạng Tháng Tám thành công, Công an nhân dân Đắk Lắk ra đời, góp phần đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954)
Ngày 24-8-1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Đắk Lắk hoàn toàn thắng lợi, Công an Đắk Lắk thành lập và công khai hoạt động với tên gọi Ban Liêm phóng gồm 3 bộ phận Chính trị, Trật tự và Xếp lao, có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Đảng, chính quyền tỉnh, tổ chức cơ sở bí mật, nắm tình hình, xử lý bọn chống phá cách mạng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ban Liêm phóng đã giải quyết cơ bản bọn phản cách mạng ở thị xã Buôn Ma Thuột, đảm bảo trật tự trị an sau ngày giải phóng. Tổng số bọn phản cách mạng bị ta bắt giữ lên đến 23 tên. Ngoài ra, bộ phận Xếp lao còn nhận nhiệm vụ quản lý, cải tạo 21 tên phản động của tỉnh Khánh Hòa (Phú Khánh) đưa lên. Trong những ngày cách mạng thắng lợi ở tỉnh, Ban Liêm phóng tỉnh Đắk Lắk vừa tích cực đấu tranh trấn áp phản cách mạng và bọn tội phạm, vừa tiến hành xây dựng, củng cố bộ máy và xây dựng mạng lưới an ninh nhân dân trong các cơ quan, đồn điền trong khu vực thị xã và nhiều cơ sở bí mật dọc các đường phố ở thị xã Buôn Ma Thuột.
Tuy nhiên, ngày 23-6-1946, khi thực dân Pháp đánh chiếm hoàn toàn tỉnh Đắk Lắk, cùng với các tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể cách mạng, Ban Liêm phóng tạm thời giải thể. Đầu năm 1947, được sự chỉ đạo, chi viện của Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính miền Nam Trung bộ, các tổ chức cách mạng của tỉnh lần lượt được khôi phục. Tháng 3-1948, Ban Liêm phóng Đắk Lắk được tái thành lập với tên gọi Ty Công an, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là diệt tề, trừ gian, nắm tình hình hoạt động của địch, nhất là bọn gián điệp, nội gián, tăng cường bảo vệ tốt vùng căn cứ Phú Yên, đồng thời khảo sát địa bàn các huyện để xây dựng căn cứ kháng chiến cho từng huyện và tỉnh.
Năm 1950, thực hiện Chỉ thị của Quân ủy Trung ương về hoạt động quân sự, Liên Khu ủy V đã chọn Nam Tây Nguyên làm hướng chính cho chiến dịch Nguyễn Huệ nhằm phát triển cơ sở chính trị, lực lượng du kích, xây dựng căn cứ tiêu diệt tiền đồn và các đội quân ứng chiến, phá ngụy quân, ngụy quyền của địch. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ (tháng 7-1950), Công an Đắk Lắk từ nhiệm vụ phá tề, trừ gian, làm trong sạch địa bàn, bảo vệ chiến dịch đã chuyển sang phối hợp cùng lực lượng Quân đội trực tiếp đánh vào các đồn bốt địch. Trong các trận đánh, Công an Đắk Lắk đã bắt được 04 tên (trong đó có 03 tên sỹ quan Pháp), tiêu diệt, làm bị thương hàng trăm tên địch, phá hủy và thu nhiều vũ khí, phương tiện. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng, tiêu biểu là các đồng chí Phạm Hổ, Phiến, Y Gốt…
Năm 1951, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 6 (tháng 8-1951), Ty Công an Đắk Lắk tiến hành sắp xếp lại tổ chức với cơ cấu thành 2 Ban nghiệp vụ (Ban Văn phòng và Ban Chính trị - Bảo vệ), 3 đơn vị độc lập và Công an 3 quận. Tháng 6-1952, thực hiện chủ trương của Khu ủy V về tinh giản biên chế, lồng ghép bộ máy dân - chính - Đảng vào các cơ quan quân sự, Ty Công an sáp nhập với Tiểu ban Bảo vệ của Trung đoàn 84 thành một ban mới với tên gọi là Ban Bảo vệ, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng tỉnh, đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo, cơ quan, các tổ chức quần chúng; điều tra nắm tình hình địch, tham mưu cho cấp ủy kịp thời chỉ đạo mọi phong trào cách mạng trong giai đoạn mới.
Sau khi kế hoạch NaVa của Pháp bị thất bại, song song với các hoạt động quân sự, ta tích cực chuẩn bị đối phó với khả năng địch có thể liều lĩnh đánh ra vùng tự do. Ban Bảo vệ đã nhanh chóng triển khai các mặt công tác, trọng tâm là bảo vệ căn cứ, bảo vệ cơ quan, tích cực điều tra nắm tình hình địch, tham mưu cho cấp ủy Đảng kế hoạch đối phó với từng loại đối tượng trong từng thời điểm.Tại vùng căn cứ, ta đã hướng dẫn quần chúng biện pháp phòng gian bảo mật và vận động quần chúng cùng lực lượng Công an tổ chức kiểm soát vùng tự do, cửa ngõ ra vào vùng tạm chiếm để hạn chế hoạt động của bọn do thám, gián điệp.Trong các cơ quan Nhà nước, công tác bảo vệ được thực hiện một cách có kế hoạch, áp dụng các biện pháp kiểm tra hàng ngũ để thuần khiết nội bộ, đề phòng sự lôi kéo, dụ dỗ cán bộ của địch. Các tổ bảo vệ được tăng cường và từng bước nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, kịp thời nắm bắt được ý đồ thâm hiểm của bọn phản động và các loại tội phạm khác, đề ra nhiều biện pháp cương quyết phá tan âm mưu của chúng, giữ vững trật tự trị an vùng tự do, phục vụ đắc lực cho công tác đánh địch ở phía trước.
Trải qua 9 năm kháng chiến đầy gian khổ, lực lượng Công an Đắk Lắk đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh, trật tự trị an ở các vùng căn cứ, chiến đấu tiêu diệt địch, diệt ác, phá tề, bảo vệ an toàn các chiến dịch, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.
(Còn nữa)
(Theo tài liệu Ban Tuyên giáoTrung ương - Bộ Công an)
Ý kiến bạn đọc