Multimedia Đọc Báo in

Đón Tết trong quân ngũ

21:58, 27/01/2017

Những ngày này, không khí đón xuân ở các đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh đã khá nhộn nhịp, ấm áp. Với cánh lính trẻ lần đầu được đón Tết trong quân ngũ, đây sẽ là một kỷ niệm đẹp, đặc biệt và đáng nhớ trong cuộc đời.

Đắp bếp hình linh vật

Đến hẹn lại lên, trước Tết chừng 1 tháng, Trung đoàn 95 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) bắt đầu trổ tài đắp bếp hình linh vật trong năm. Theo đó, các đầu bếp cấp đại đội trở lên sẽ tiến hành đắp bếp để phục vụ nấu bánh chưng, nước chè xanh mời khách, đồng thời đây cũng là “điểm nhấn” đặc biệt khiến những ai đến thăm đơn vị dịp Tết sẽ không thể rời mắt. 

Để có cách làm hay nhất, các đại đội thường họp mặt, thống nhất ý kiến lựa chọn mẫu vật, vật liệu, màu sơn cho linh vật. Không yêu cầu phải theo một khuôn mẫu chung, nhưng đơn vị thường tận dụng những vật liệu sẵn có như: đất sét, cỏ khô, tre, nứa, sơn, xi măng… để tạo hình.  

Sau khi trộn các vật liệu theo tỷ lệ nhất định, các “nghệ nhân” bắt đầu xây dựng khung “xương” linh vật và tiến hành đắp hình. Nghe chừng đơn giản, nhưng để hoàn thành một sản phẩm, cán bộ, chiến sĩ phải đầu tư công sức, trí tuệ và sức sáng tạo trong khoảng 10 - 15 ngày. Có những năm, linh vật khó đắp, anh em phải mất nhiều thời gian hơn. 

Để con giáp được đắp giống với vật thật, Tết Đinh Dậu năm nay, có đơn vị bắt hẳn một con gà trống to ra khu vực đắp bếp cho các “nghệ nhân” dễ hình dung! Lại có đơn vị sưu tầm các bức tranh trên mạng, rồi phóng to để Đại đội thực hành theo “mẫu”... Mỗi đơn vị có một cách làm, sáng tạo, kiểu dáng, kích thước khác nhau, nhưng tất cả đều lựa chọn “mặt tiền” đẹp để đặt bếp, đồng thời đắp bếp đủ to để nấu được bánh chưng xanh. 

Giữ cho bếp bền, đẹp, “nghệ nhân” phải bảo quản, để bếp thật khô ráo, đến khoảng tối 28 Tết, anh em trong đại đội bắt đầu quây quần nấu bánh. Khi đun củi, khói lửa sẽ được thoát theo đường miệng linh vật… Sáng 29 Tết, các đơn vị vớt bánh chưng và trang trọng đặt lên bàn thờ. Sau đó, Ban tổ chức Hội thi trang trí Tết của Trung đoàn sẽ chấm điểm từng đơn vị, trong đó, có cả chấm bếp hình linh vật.

Một hoạt động vui Xuân của các chiến sĩ Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 584) .
Một hoạt động vui Xuân của các chiến sĩ Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 584) .

Tham gia đắp linh vật cùng đồng đội từ năm 2012, thượng úy Bạch Quốc Thuận, Trợ lý cán bộ Trung đoàn được đánh giá là một trong những “nghệ nhân” có tay nghề cao. Tuy vậy, anh thừa nhận: “Đã có những cái Tết, tôi và đồng đội hì hục nhiều ngày liền, nhưng cũng có lúc đành bỏ bếp, bởi chất lượng sản phẩm không như ý muốn. Nói thì dễ, nhưng để “thổi hồn” vào sản phẩm không đơn giản chút nào, nó yêu cầu tập thể phải đoàn kết, chung ý chí, bền bỉ và chịu khó. Cũng từ những lần đắp bếp dịp Tết mà anh em đơn vị hiểu, gần nhau hơn”…

Lần đầu đón Tết cùng đồng đội

Cả năm bận rộn việc quân, nên Tết đến, Trung đoàn 584 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) luôn cố gắng bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ đón năm mới được đủ đầy, ấm cúng nhất. Từ việc xây dựng cảnh quan môi trường; hệ thống panô, băng rôn, khẩu hiệu mừng Đảng mừng Xuân, đến các chương trình văn nghệ, thể thao… đều được đơn vị chuẩn bị tươm tất, khiến phần nào làm ấm lòng những chiến sĩ xa nhà. 


“Ngoài chế độ, tiêu chuẩn của cấp trên, Trung đoàn còn trích từ quỹ tự cân đối và nguồn tăng gia sản xuất hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ vui Xuân, đón Tết, bước vào năm mới thêm hứng khởi học tập, luyện rèn, sẵn sàng chiến đấu”.
 
 
Thượng tá BÙI QUANG THÀNH, Chính ủy Trung đoàn 584

Tại Tiểu đoàn 303, nhằm tạo điều kiện để các chi đoàn đại đội thỏa sức sáng tạo, ngoài đắp bếp hình linh vật, Tiểu đoàn còn tổ chức thi tài trang trí cổng Tết. Tận dụng “của nhà”: cây tre vườn, gốc cà phê khô, lốp xe, hoa tự trồng… cánh “nghệ nhân” lính tha hồ tạo dáng, xây dựng các cổng chào tựa cánh buồm, nhà rông, hình ảnh biển đảo… Đã cùng đồng đội tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, nhiều chiến sĩ lần đầu đón Tết quân ngũ vẫn không khỏi bất ngờ, thích thú khi thấy Tết ở đơn vị lại hấp dẫn, đặc biệt đến vậy.

Càng gần giao thừa, không khí xuân cũng rộn ràng hơn trong tâm hồn những người lính trẻ. Đây là cái Tết xa nhà đầu tiên của binh nhất Nguyễn Duy Phong (Trung đội 1, Đại đội 5, Tiểu đoàn 303). Vốn là “cậu ấm” được bố mẹ cưng chiều, vậy mà gần 1 năm sau ngày nhập ngũ, trải qua nắng gió thao trường, Phong đã chững chạc, trưởng thành hơn. Phong tâm sự: “Năm đầu tiên đón Tết xa nhà, nhờ có cán bộ, đồng đội luôn quan tâm, sẻ chia, tôi vơi bớt nỗi nhớ gia đình”. Binh nhất Nguyễn Hoàng Hải (Trung đội 4, Đại đội 6, Tiểu đoàn 303) thì cảm thấy rất tự hào khi lần đầu đón Tết trong quân ngũ cùng đồng đội. 

Chiến sĩ Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 95, Sư đoàn 2) chăm sóc vườn hoa, chuẩn bị đón Tết
Chiến sĩ Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 95, Sư đoàn 2) chăm sóc vườn hoa, chuẩn bị đón Tết.

Không chỉ lo Tết cho đơn vị, Trung đoàn 584 còn quan tâm đến hoạt động dân vận trên địa bàn. Nhiều năm nay, đơn vị đều phối hợp tổ chức cho bộ đội hành quân dã ngoại, về các địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa: xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc), buôn A (thị trấn Ea Súp), xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột)… để cùng đón Tết, giúp đỡ bà con dọn vệ sinh, cắt tóc cho trẻ em, giao lưu văn hóa văn nghệ, tổ chức ngày hội bánh chưng xanh…; trích quỹ “Hũ gạo vì người nghèo” và quỹ tự cân đối để thăm, trao tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn đóng quân. Đặc biệt, đơn vị đến từng nhà cán bộ, chiến sĩ  có hoàn cảnh khó khăn để động viên, chúc Tết.

Xác định vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ, Trung đoàn luôn duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm quân số, trang bị, phương tiện kỹ thuật, sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra, nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân đón Tết…

Song Quỳnh

Thượng tá BÙI QUANG THÀNH, Chính ủy Trung đoàn 584 cho biết: 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.