Multimedia Đọc Báo in

Giữ vững thế trận biên phòng

11:54, 03/03/2017

Đắk Lắk có 4 xã biên giới (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn; các xã Ia R’vê, Ya Lốp, Ea Bung, huyện Ea Súp) với tổng số dân trên 21 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 40%.

Tại khu vực biên giới của tỉnh, dân cư thưa thớt, khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, bình quân chiếm tới trên 60%... Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá, nhất là lôi kéo, dụ dỗ, kích động đồng bào các dân tộc vượt biên, di cư tự do và tham gia các hoạt động chống phá, gây rối trật tự an ninh xã hội. Tình hình vi phạm quy chế biên giới và an ninh nông thôn, chặt phá, lấn chiếm tài nguyên rừng, tranh chấp đất đai và các tệ nạn xã hội cũng diễn biến phức tạp…

Xuất phát từ vị trí, vai trò nòng cốt, chuyên trách của Bộ đội Biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã đặc biệt chú trọng xây dựng thế trận biên phòng gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc nhằm tạo thế và lực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã biên giới luôn là chỗ dựa vững chắc cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, hiện nay Bộ đội Biên phòng tỉnh đã cử 50 đảng viên thuộc các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tạm thời tại thôn, buôn các xã biên giới. Đội ngũ cán bộ tăng cường tại các xã biên giới đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xâm nhập, vượt biên trái phép và ngăn ngừa tội phạm xuyên biên giới; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yok Mbre tuần tra bảo vệ biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yok Mbre tuần tra bảo vệ biên giới.

Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình và kịp thời giải quyết những vấn đề về quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới; phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh và Ban CHQS các huyện Ea Súp, Buôn Đôn xây dựng lực lượng dân quân nòng cốt ở các xã biên giới chủ động phối hợp quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, phát hiện kịp thời và giải quyết có hiệu quả những vấn đề nảy sinh, không để các phần tử xấu lợi dụng tạo "điểm nóng", không để xảy ra mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

 

 “Trong những năm qua, các đồn biên phòng luôn phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia thực hiện nghiêm túc Hiệp định về quy chế biên giới, các thỏa thuận song phương đã ký kết giữa hai nước. Các hoạt động gặp mặt, trao đổi thông tin giữa hai bên được duy trì thường xuyên. Hai bên cũng tổ chức tốt các hoạt động tuần tra song phương, qua đó, đã kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý tốt các vụ việc xảy ra trên biên giới” 

 
 
Đại tá Phạm Quang Hùng – Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk

Để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và Ủy ban MTTQ tỉnh triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: bàn giao đưa vào sử dụng 102 căn nhà “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới” trị giá gần 4 tỷ đồng; phối hợp xây dựng, bàn giao 64 căn nhà thuộc Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” tặng các đối tượng chính sách với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng; xây dựng 14 giếng khoan cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đồng bào các xã biên giới. Hằng năm, nhân các ngày lễ, Tết, các đơn vị đã tham mưu cho địa phương thực hiện tốt công tác chính sách, đồng thời tổ chức thăm hỏi động viên các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Quân y Bộ đội Biên phòng cũng làm tốt công tác phòng, chống các loại dịch bệnh tại địa bàn các xã biên giới, khám điều trị và cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người dân. Đặc biệt, trong năm 2016 Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tham gia chương trình “Nâng bước các em tới trường” hỗ trợ 40 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở các xã biên giới.

Bên cạnh đó, Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh còn chú trọng thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng. Đến nay, trên đoạn biên giới dài 73 km giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mundulkiri, Việt Nam và nước bạn Campuchia đã triển khai cắm được 5 vị trí mốc là mốc 42, 44, 45, 46 và 47. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục thực hiện việc phân giới cắm mốc 2 vị trí còn lại tại đoạn biên giới do Đồn Biên phòng Ea H’leo và Đồn Biên phòng Yok Mbre quản lý.

Với phương châm "Giúp bạn là tự giúp mình", chỉ tính riêng năm 2016, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ xây tặng nhà làm việc cho Tiểu đoàn 303 của nước bạn và công trình đường điện thắp sáng cho 3 đồn cảnh sát thuộc Ty Công an tỉnh Mundulkiri trị giá trên 5 tỷ đồng, giúp lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn khắc phục khó khăn. Thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về tổ chức kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hai luyện biên giới Buôn Đôn và Ea Súp tổ chức lễ kết nghĩa các xã  hai bên biên giới, từng bước đẩy mạnh mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai bên biên giới.

Những việc làm thiết thực, ý nghĩa đó đã góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định trên biên giới; đập tan âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch phản động.    

                                                   Văn Nhương

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.