Nơi ấy là biên cương
Bài 1: Huyền thoại bên dòng Sêrêpốk
Giữa biên cương lộng gió, xa xôi nhưng hằng năm vẫn có rất nhiều đoàn ở mọi miền Tổ quốc ngược nắng mưa để đến thăm, thắp hương tưởng nhớ đồng đội - các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống ở khu vực Đồn Biên phòng Sêrêpốk khi tuổi đời còn rất trẻ…
Ký ức không thể nào quên
Một lần cùng đoàn công tác của Trung ương Hội LHPN Việt Nam đến dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ hy sinh ở khu vực Đồn Biên phòng Sêrêpốk, chúng tôi được Đại úy Phạm Văn Hứng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sêrêpốk giới thiệu về lịch sử hình thành Nhà bia.
Chia sẻ của anh đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về những huyền thoại bên dòng Sêrêpốk trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam…
Câu chuyện bên dòng Sêrêpốk dần được lật giở khi chúng tôi tiếp xúc với Đại tá Lê Xuân Bá (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470). Năm 1973, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4 (Sư đoàn 470, Đoàn 559) tham gia chỉ huy thi công đoạn đường Trường Sơn, từ Đường 19 (tỉnh Gia Lai) qua sông Sêrêpốk, có chiều dài khoảng 80 km. Trong đó, đoạn qua sông Sêrêpốk gồm các hạng mục: bến phà qua sông, bến ngầm xe tăng và cầu nổi. Khó khăn, vất vả không kể hết, nhưng những người lính đã vượt qua mọi thử thách, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng con đường để phục vụ yêu cầu chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk tuần tra, bảo vệ biên giới. |
Nhằm phá hỏng tuyến đường chi viện huyết mạch của ta, địch ra sức đánh phá bằng các loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất, khiến núi rừng luôn ngập chìm trong bom đạn.
Đại tá Lê Xuân Bá bồi hồi nhớ lại: Vượt qua mọi gian khổ, bộ đội ta đã làm nhà âm (đào hầm) để tránh bom đạn của kẻ thù. Những người lính nơi đây luôn phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy và sự ác liệt của chiến trường. Họ sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để bảo vệ tuyến đường huyết mạch quan trọng này. Trong đó, Tiểu đoàn 21 (Sư đoàn 470) được giao nhiệm vụ hết sức đặc biệt, đó là bảo vệ bến phà, ngăn chặn địch tiến sâu vào các trọng điểm.
Tại khu vực sông Sêrêpốk ngày ấy đã có 57 cán bộ, chiến sỹ hy sinh. Đau thương chồng chất đau thương, nhưng tất cả vẫn kiên định một lòng với quyết tâm sắt đá “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”…
Hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày đất nước hòa bình, nhưng trên mảnh đất này, các hố bom vẫn in dấu dày đặc, nhiều cán bộ, chiến sỹ hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Trong cuộc gặp gỡ với chúng tôi, Đại tá Lê Xuân Đáng, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cố kìm nén xúc động khi kể rằng: “Sau này khi có điều kiện tập hợp tên tuổi chúng tôi mới thấy hầu hết các anh hy sinh ở độ tuổi 19-20 và tất cả đều là con em đồng bào miền Bắc. Chiến công anh dũng của những người con bất khuất ấy đã góp phần làm nên huyền thoại con đường Trường Sơn thời lửa đạn”.
Tuổi 20 gửi lại chốn biên thùy
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, tình hình trên biên giới Việt Nam – Campuchia nảy sinh những diễn biến phức tạp.
Để phù hợp với tình hình thực tiễn chiến đấu, tất cả các tuyến Đồn Biên phòng Đắk Lắk lúc bấy giờ, trong đó có cả Đồn Biên phòng Sêrêpốk vừa mới thành lập (tháng 11-1975) đã phải tháo dỡ để xây dựng nhà âm (hầm), đắp lũy chiến hào. Cuối năm 1977, chiến sự diễn ra ác liệt hơn. Các ngả đường giao thông, đường tuần tra của ta đều bị địch gài mìn; chúng đốn đổ cây cổ thụ để chắn đường, hoặc dùng hỏa lực từ xa, sử dụng các toán, tốp tập kích vào các đơn vị cả ngày lẫn đêm. Tuy lực lượng mỏng, nhưng cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng vẫn anh dũng kiên cường chống trả, bảo vệ vẹn toàn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Khu vực Bia tưởng niệm Đồn Biên phòng Ea H’leo. |
Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, có 14 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị: Đại đội 5, Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tỉnh Đắk Lắk (4 người); Đồn Biên phòng Sêrêpốk (8 người) và Đồn Biên phòng Bo Heng (2 người) đã mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Hầu hết các anh khi ngã xuống tuổi đời còn rất trẻ, trong đó có nhiều người vừa mới lập gia đình.
Một trong những hoàn cảnh xót xa nhất là gia đình liệt sỹ Phan Văn Minh (Đại đội 5, Công an vũ trang tỉnh Đắk Lắk). Anh hy sinh tháng 1-1979 trong cuộc chiến chống quân Pôn Pốt - Iêngxari, để lại người vợ trẻ và cô con gái nhỏ bị thiểu năng trí tuệ. Sau này, vợ anh đi bước nữa, người con sống một mình và làm nghề gánh nước thuê ở chợ Hòa Đông (TP. Buôn Ma Thuột). Không nhà cửa, cô gái chỉ có tài sản duy nhất là chiếc rương, trong đó đựng di ảnh người cha. Sau này, cô được Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ nhiều về vật chất lẫn tinh thần, trong đó có xây tặng một căn nhà tình nghĩa…
Nhà bia tưởng niệm giữa đại ngàn
Được giao nhiệm vụ phụ trách công tác chính sách, năm 2014, Đại tá Lê Xuân Đáng, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh có dịp tìm hiểu sâu hơn về khu vực lịch sử Bến phà qua sông Sêrêpốk, từ đó tham mưu cho Bộ chỉ huy đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đắk Lắk đề xuất cấp trên đầu tư xây dựng “Nhà bia tưởng niệm” có quy mô xứng tầm với sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sỹ.
Ngay sau đó, Nhà bia nhanh chóng được xây dựng gồm 2 giai đoạn: năm 2014, khởi công làm Nhà bia và năm 2016 xây dựng đường đi, khuôn viên và trồng cây xanh xung quanh. Cũng bắt đầu từ giai đoạn này, tên tuổi của 71 liệt sỹ được sắp xếp trên bia theo thứ tự thời gian hy sinh chứ không theo cấp bậc, chức vụ như trước.
Kể từ ngày Nhà bia tưởng niệm được xây dựng, nhiều đoàn cựu chiến binh đã không quản đường xa đến tận nơi thắp nén nhang tri ân các đồng đội đã ngã xuống. Đặc biệt, vào tháng 10-2016, Đoàn cựu chiến binh đến từ TP. Hà Nội, gồm các đồng chí từng công tác tại Đồn Biên phòng Sêrêpốk đã vượt hàng nghìn cây số để về thăm đồng đội. Nhớ lại những năm tháng hào hùng của một thời lửa đạn, nhiều người không kìm được nước mắt.
Tri ân các đồng đội đã ngã xuống giữa rừng thẳm, hằng năm vào dịp 22-12, lễ, Tết…, Sư đoàn 470 đều tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ, các cựu chiến binh đơn vị hướng về biên cương Tổ quốc. Dịp trước Tết năm 2017, thấy bát hương bằng bê tông có dấu hiệu vỡ, Sư đoàn đã cúng bát hương mới bằng đá hoa cương nguyên khối bền đẹp, như một cách bày tỏ sự tri ân những người con thân yêu của Tổ quốc đã ngã xuống…
Với Đồn Biên phòng Sêrêpốk, từ khi Nhà bia tưởng niệm được khởi công, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã cùng đóng góp ngày công để hoàn thành đúng tiến độ. Đặc biệt, với những cán bộ, chiến sĩ mới về công tác ở đơn vị hay các chiến sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ chuẩn bị trở về địa phương, Đồn Biên phòng Sêrêpốk đều tổ chức gặp mặt chu đáo và không quên đưa các anh đến Nhà bia thắp nén hương tưởng nhớ những người đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất này…
Tại các khu vực Đồn Biên phòng: Ea H’leo, Sêrêpốk và Cửa khẩu Đắk Ruê đều xây dựng Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Trong đó, Nhà bia Đồn Biên phòng Sêrêpốk có quy mô lớn nhất; Nhà bia tưởng niệm ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê vừa được Nhà nước cải tạo xong. Riêng Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ ở Đồn Biên phòng Ea H’leo đang được đề nghị đưa vào danh mục cải tạo, nâng cấp thành Nhà bia tưởng niệm – Đại tá Lê Xuân Đáng, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh. |
(còn nữa)
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc