Multimedia Đọc Báo in

Nơi ấy là biên cương

12:11, 03/03/2017

Bài 2: Đường xa không mỏi

Dù quá trình tuần tra, mật phục lắm gian lao, vất vả, nhưng những người lính kiên trung nơi địa đầu Tổ quốc vẫn lặng thầm vượt qua mọi thử thách để làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Cùng nhau bảo vệ biên cương

Đồn Biên phòng Yok Đôn nằm trong địa phận Vườn Quốc gia Yok Đôn, được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ đường biên giới dài 13,7 km, tiếp giáp với tỉnh Mundulkiri (Vương quốc Campuchia).

Đã thành thông lệ, công tác phối hợp tuần tra giữa Đồn Biên phòng Yok Đôn và Trạm kiểm lâm số 10 (Vườn Quốc gia Yok Đôn) được hai đơn vị duy trì thường xuyên, hiệu quả. Thượng tá Đặng Văn Thân, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Yok Đôn cho biết, tùy vào từng thời điểm, công việc cụ thể để hai bên cùng phối hợp tuần tra. Thông thường anh em sẽ tuần tra trong ngày, nhưng cũng có những thời điểm đặc biệt công tác tuần tra thường kéo dài ngày hơn. Những lúc đó, mọi người phải mang theo đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt.

Thực tế, khu vực Đồn quản lý có hệ sinh thái khá đa dạng, phong phú, không ít đối tượng đã lợi dụng để vào rừng khai thác lâm sản, săn bắt trái phép. Thời điểm này, biên giới đang vào mùa khô nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Chính vì vậy, công tác tuần tra, phối hợp bảo vệ vốn rừng giữa hai đơn vị sẽ góp phần hạn chế thấp nhất sự tác động của con người.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 10 Nguyễn Tấn Bình chia sẻ rằng, trong tất cả các vụ việc xảy ra, nếu phát hiện vi phạm quy chế về khu vực biên giới thì bộ đội biên phòng sẽ xử lý; còn vi phạm lâm luật sẽ giao cho đơn vị kiểm lâm xử lý.

Có theo chân các đơn vị tuần tra mùa khô, cùng lội giữa nắng rát vùng biên mới thấy được nỗi vất vả của các anh. Ở mùa này biên cương không chỉ có nắng, mà hầu hết các cây rừng cũng thay màu vàng cháy. Không nói đâu xa, chỉ cần bước ra khỏi doanh trại là đã có thể cảm nhận được cái nắng như muốn hút khô đôi bàn chân. Ấy vậy mà, ở bất cứ địa hình nào khi băng rừng hay lội suối… bước chân tuần tra của các anh vẫn thoăn thoắt dù khuôn mặt mồ hôi nhễ nhại.

Cán bộ, chiến sĩ hai lực lượng kiểm lâm và biên phòng trao đổi, nắm tình hình trên đoạn đường tuần tra.
Cán bộ, chiến sĩ hai lực lượng kiểm lâm và biên phòng trao đổi, nắm tình hình trên đoạn đường tuần tra.

Trung úy Ninh Văn Tám, Đội trưởng Đội Vũ Trang, Đồn Biên phòng Yok Đôn kể, mùa khô rất dễ mất sức, cơ thể cần bổ sung nước liên tục. Có những thời điểm suối khô cạn đáy, nước uống mang theo cũng vơi dần, nhưng các anh vẫn kiên trì khắc phục, mỗi ngày di chuyển vài chục cây số là chuyện thường…

Vào mùa mưa, công tác tuần tra cũng không nhẹ nhàng hơn chút nào.  Nếu ngồi trên ôtô, hoặc đi bộ trên Quốc lộ 14C, ai cũng thấy những rừng le xanh ngát, đung đưa trông thật là đẹp. Tuy nhiên, càng vào sâu cánh rừng, tất cả những cụm le xanh mướt đó gần như che khuất mọi tầm nhìn, lá rất sắc, nếu không cẩn thận có thể bị cứa đứt da thịt. Mùa mưa, những cơn mưa rừng thường hay trút xuống bất chợt khiến công tác tuần tra gặp không ít trở ngại khi di chuyển, nấu nướng, hay sinh hoạt. Cùng nếm trải nỗi vất vả qua những đợt tuần tra chung nên mối quan hệ giữa hai đơn vị biên phòng và kiểm lâm càng thêm gắn bó.

Bên cạnh phối hợp tuần tra cùng kiểm lâm, hằng tháng, Đồn Biên phòng Yok Đôn còn phối hợp tuần tra song phương cùng lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia.  

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo tuần tra, bảo vệ biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo tuần tra, bảo vệ biên giới.

Mật phục giữa rừng xanh

So với tuần tra, mật phục vất vả hơn rất nhiều. Tùy vào thời điểm, hoàn cảnh và điều kiện, các tổ mật phục của Đồn Biên phòng Ea H’leo có thể bí mật làm nhiệm vụ giữa rừng xanh từ vài ngày đến một tuần, thậm chí hơn một tháng.

Bất kể thời điểm nào trong ngày, được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ là tổ mật phục của Đồn Biên phòng Ea H’leo lại lên đường. Ngoài vũ khí trang bị, các anh còn phải chuẩn bị đầy đủ đồ dùng sinh hoạt, nhu yếu phẩm. Đặc biệt, trong tổ mật phục hay tuần tra luôn có một nhân viên quân y đi cùng để tiện bề theo dõi sức khỏe cho đồng đội. Để bảo đảm giữ bí mật, mọi hoạt động đi lại, đến sinh hoạt, nấu nướng đều tuân thủ nguyên tắc “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.  Thiếu tá Nay Khánh Pa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ea H’leo bộc bạch: Có những thời điểm anh em chỉ ăn lương khô, uống nước chứ không dám đun củi nấu nướng…

 

 “Nhờ làm tốt công tác tuần tra, mật phục, bảo vệ biên giới nên trong năm 2016, đoạn biên giới do Đồn Biên phòng Ea H’leo quản lý không có đối tượng vi phạm quy chế biên giới” 

 
 
Thiếu tá Nay Khánh Pa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ea H’leo

Đặc biệt, sau những cơn mưa, hoặc vào mùa mưa, núi rừng vùng biên ẩm thấp nên xuất hiện rất nhiều bọ cạp, rết và những động vật nguy hiểm khác… Tuy nhiên, tất cả vẫn không đáng sợ bằng rắn độc, muỗi rừng. Theo kinh nghiệm của những người lính biên phòng đã ở rừng lâu năm, để đề phòng rắn độc tấn công, tại nơi ngủ nghỉ cần được phát quang bụi cỏ; treo võng lên cao; mọi đồ đạc, vật dụng cá nhân đều cất gọn gàng, ngăn nắp…

Cùng đồng đội thực hiện nhiều đợt mật phục giữa vùng biên, Trung úy Đinh Ánh, Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính tâm sự chân thành rằng, mặc dù đã được trang bị đầy đủ tăng bạt, nhưng nhiều khi anh em vẫn bị ướt sũng bởi những cơn mưa rừng bất chợt xối xả, phải ngủ trong lạnh cóng. Vất vả hơn hết vẫn là người gác đêm, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tỉnh táo; phát hiện tiếng động lạ phải báo động ngay cho đồng đội…

16 năm gắn bó với biên cương, Thiếu tá Nay Khánh Pa nhớ như in những kỷ niệm cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ tuần tra, mật phục. Cơm khê, canh sống, thiếu nước tắm, nước uống, ngủ giữa mưa, bị rắn độc tấn công, có người bị trật khớp được đồng đội dìu về giữa mưa… tất cả các “đặc sản” đó anh đều đã nếm trải. Gian lao, vất vả không kể hết, nhưng với các anh giữ vững biên cương bình yên là niềm tự hào, trách nhiệm của người lính quân hàm xanh.

(còn nữa)

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.