Multimedia Đọc Báo in

Nơi ấy là biên cương

08:42, 06/03/2017

Bài 3: Bình yên biên cương

Chỉ khi đến với biên cương, tận mắt chứng kiến đời sống sinh hoạt, công việc hằng ngày của những người lính biên phòng mới thấu hiểu hết sự hy sinh của các anh.

“Chủ nhà” hiếu khách

Đồn Biên phòng Bo Heng là một trong những đơn vị đứng chân ở địa bàn xa xôi, khó khăn nhất trong các đồn biên phòng tỉnh Đắk Lắk. Mỗi tấc đất, luống rau, hay mốc giới nơi vùng địa đầu này đều chứa đựng mồ hôi, công sức của người lính quân hàm xanh.

Đường đến Bo Heng xa hun hút, đầy rẫy ổ voi, ổ gà. Mỗi cung đường  “ngựa chiến” đi qua, kéo theo sau là bụi đỏ bám chặt hàng cây hai bên, thân xe, thậm chí len lỏi vào cả người và các vật dụng trên xe.

Tiếp đón chúng tôi, “chủ nhà” ân cần, xởi lởi, hướng dẫn cụ thể mọi khu vực sinh hoạt, đồng thời ưu tiên cho khách lưu trú những căn phòng thuận tiện nhất. Tranh thủ trước giờ cơm trưa, các anh chỉ dẫn mọi người tham quan nơi ăn ở, học tập, vườn tăng gia… của đơn vị.

Vì Đồn cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khá xa, nên mỗi chuyến tiếp phẩm cần rất nhiều thời gian. Khắc phục khó khăn ấy, Đồn chủ động cải tạo đất đai, tăng gia sản xuất, cung cấp gần như 100% rau xanh và một phần thịt, cá cho bộ đội. Vào giờ nghỉ, các anh xuống hồ, các khe suối quăng lưới bắt cá về làm món thết đãi khách… Tất cả những món ăn trên bàn đều là “của nhà làm được” và hoàn toàn là thực phẩm sạch mà nhiều nơi ao ước.

Do thiếu nước sạch và nước sinh hoạt trầm trọng, nhất là mùa khô nên những người lính nơi đây phải sử dụng nước đập chứa gần đó để tắm giặt, sinh hoạt. Ngoài ra, đơn vị còn xây nhiều bể chứa nước mưa dự trữ dành cho việc nấu ăn hằng ngày.

Chiến sĩ Đồn cảnh sát bảo vệ biên giới Cô Ban Đom Rây vui vẻ chở đoàn khách đến thăm đơn vị.
Chiến sĩ Đồn cảnh sát bảo vệ biên giới Cô Ban Đom Rây vui vẻ chở đoàn khách đến thăm đơn vị.

Có một điều khá đặc biệt nữa là Đồn nuôi rất nhiều chó, heo rừng. Bất chấp thời tiết vùng biên khắc nghiệt, những loài vật này vẫn thích nghi nhanh, phát triển tốt. Một cán bộ đơn vị cho biết, ở biên cương, chó như một “người bạn”, đồng thời là “vũ khí” hữu hiệu, luôn theo sát quãng đường tuần tra của lính biên phòng. Rất nhiều chướng ngại vật, mùi lạ, hay mối đe dọa trên đường đi đều được chúng kịp thời phát hiện, đơn cử như: ong rừng, rắn độc, thú hoang, nhất là khi có người lạ vào rừng…

Thiêng liêng cột mốc 46

Trong nắng chiều oi ả, chúng tôi theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Bo Heng đến thăm cột mốc số 46 (1). Lọt thỏm giữa thâm u của đại ngàn, cột mốc 46 đứng sừng sững khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Cột mốc số 46 hoàn thành năm 2007, gồm 3 mốc: 46 (1) được xây dựng trên vùng lãnh thổ Việt Nam, 46 (2) nằm giữa ngã ba cồn suối nước ta và bạn, mốc 46 (3) nằm trên đất bạn.

Do cột mốc xây dựng giữa biên giới, đường sá đi lại gập ghềnh nên quá trình vận chuyển các vật liệu cực kỳ vất vả. Khó khăn hơn cả là thời gian hoàn thành 2 mốc giới 46 (2) và 46 (3). Các mốc này đều nằm giữa và qua bên kia dòng suối nên bộ đội ta phải lội nước, ròng rã cõng vật liệu. Có lẽ càng khó khăn, gian khổ, ta càng thấy chủ quyền đất nước thiêng liêng đến nhường nào.

Tại vị trí mốc 46 (1), Đồn Biên phòng Bo Heng bố trí đội trực chốt, không hiếm lần các anh phải ở đây cả tháng liền. Thượng úy Y Lâm A Yũn (Đội phó Đội Vũ trang) cười tươi: “Không chỉ ngày thường mà tất cả các dịp lễ, Tết, anh em chúng tôi đều thay phiên nhau trực, để cột mốc bảo đảm tính nguyên vẹn, không sứt mẻ, trầy xước bất cứ bộ phận nào”.

“Tô điểm” cho khuôn viên cột mốc, đơn vị còn xây sân bê tông, trồng nhiều cây xanh và hoa. Tự túc rau xanh tại điểm chốt, các anh trồng nhiều luống rau non mơn mởn... Tất cả như điểm tô cho khu vực chốt tiền tiêu thêm tươi mát, yên bình. 

Như anh em một nhà

Đồn Biên phòng Bo Heng cách Đồn cảnh sát bảo vệ biên giới Cô Ban Đom Rây (tỉnh Mundulkiri, Vương quốc Campuchia) chỉ tầm 800m. Đứng trên Quốc lộ 14C (gần Đồn Bo Heng), mọi người sẽ nhìn thấy ngôi nhà màu xanh bên kia suối Đắk Đam chính là đơn vị bạn.

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bo Heng chuyện trò thân mật, gần gũi cùng các chiến sĩ đơn vị nước bạn.
Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Bo Heng chuyện trò thân mật, gần gũi cùng các chiến sĩ đơn vị nước bạn.

Trong những năm qua, Đồn Biên phòng Bo Heng thường xuyên tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị cùng đơn vị bạn, sẵn sàng sẻ chia từ lương thực thực phẩm, thuốc men đến vật liệu xây dựng nhà ở, đường điện thắp sáng…

 

“Vào mỗi dịp lễ, Tết, hai đơn vị nước ta và bạn thường tổ chức gặp mặt, giao lưu cùng nhau. Đôi khi chỉ là những câu chuyện tếu táo, đùa vui trong bữa cơm thân mật, nhưng là cầu nối giúp ta và bạn thêm thân thiết, gắn bó…” 

 

Trung tá Nguyễn Xuân Chiến, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bo Heng.

 

Như đã hẹn từ trước với cán bộ, chiến sĩ Đồn cảnh sát bảo vệ biên giới Cô Ban Đom Rây, chúng tôi theo chân người lính quân hàm xanh vượt suối Đắk Đam sang thăm. Đang mùa khô nên con suối Đắk Đam hiền hòa, trong vắt, nhưng nếu không biết giữ thăng bằng trên chiếc bè tự chế, vẫn rất dễ bị lật úp người xuống nước. Đại úy Nguyễn Xuân Bảy, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bo Heng bộc bạch: “Trước đây muốn qua suối đều có xuồng, nhưng mùa nước lũ năm rồi đã cuốn trôi nên anh em phải kết bè đi tạm. Hiện chúng tôi đang xin cấp trên phương tiện mới để tiện cho việc qua lại giữa ta và bạn”.

Tại Đồn Cô Ban Đom Rây, các chiến sĩ của đồn là Chu Sô Phát và Hong Văn Ni vui vẻ trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Việt. Các anh chỉ về hướng đường điện mới tinh được kéo về từ biên giới Việt Nam rồi phấn khởi bày tỏ rằng, đó là của anh em Việt Nam hỗ trợ, nhờ nó mà đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ Đồn được nâng lên đáng kể.

Có một kỷ niệm mà Chu Sô Phát không bao giờ quên được, đó là lần anh suýt chết vì bệnh sốt rét hoành hành. Sức trai trẻ không thể chống đỡ được những cơn rét lạnh, anh được đồng đội đưa qua Đồn Biên phòng Bo Heng kiểm tra. Phát hiện sốt rét, Đồn tức tốc chuyển bệnh nhân ra Bệnh xá Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk điều trị. “Các y, bác sĩ đã chăm sóc, điều trị thuốc men cho tôi rất chu đáo” – anh cảm động bày tỏ.

Không chỉ anh Chu Sô Phát, mà rất nhiều đồng đội của anh đã được đội ngũ quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ thuốc men, khám bệnh, chữa trị miễn phí…

Không phải là lần đầu bước chân lên biên giới, nhưng mỗi chuyến hành trình về với miền biên ải và gặp những người lính biên phòng đều khiến chúng tôi bồi hồi, ghi những dấu ấn không thể nào quên. Kể từ khi bắt đầu chạm chân đến vùng biên, cảm giác tự hào, xúc động trong chúng tôi luôn thường trực. Tổ quốc lúc đó không ở đâu xa, mà in dấu trong từng tấc đất, mốc giới, con đường; ở nơi đó có những người con quyết không khuất phục bất cứ kẻ thù nào, sẵn sàng hy sinh tuổi xuân để bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia… 

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.