Tâm tình lính trẻ
Sau hơn 3 tháng huấn luyện, những tân binh nhập ngũ năm 2017 đã thích nghi với môi trường mới, yên tâm làm nhiệm vụ.
Đến Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) đứng chân trên địa bàn xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo), chúng tôi được Trung tá Tống Trần Ninh, Trung đoàn trưởng cho biết: Mùa tuyển quân năm 2017, Trung đoàn đón nhận 520 chiến sĩ mới. Cùng với công tác huấn luyện quân sự, cán bộ, chỉ huy các cấp còn gần gũi, hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ thuật tăng gia, sản xuất, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh… nhằm tạo điều kiện cho các tân binh nhanh chóng làm quen và hòa nhập môi trường quân ngũ; đồng thời có thêm kiến thức phát triển kinh tế gia đình sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.
Với chiến sĩ Nguyễn Hồ Dũng (SN 1995, trú tại xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar), hơn 3 tháng học tập và rèn luyện tại Trung đoàn 66 là quãng thời gian đầy ý nghĩa. Dũng tâm sự: “Những ngày đầu trong quân ngũ, tôi nhớ nhà da diết, nhớ đến nỗi nhiều đêm không ngủ được và… nằm khóc. Nhưng thời gian trôi, nỗi nhớ cũng nguôi ngoai bởi một phần đã quen với cuộc sống mới, phần vì thời gian học tập ngoài thao trường nhiều, nặng nhọc, lúc nào cũng trong tâm trạng vội vàng, khẩn trương sau những tiếng còi hiệu lệnh khiến chúng tôi không còn thời gian suy nghĩ vẩn vơ…”
Phút giải lao trên thao trường của chiến sĩ mới tại Trung đoàn 66. |
Đến đơn vị thăm con, chị Lê Thị Xuân (mẹ Dũng) phấn khởi chia sẻ: “Ngày Dũng nhận lệnh nhập ngũ, người thân trong gia đình rất lo lắng bởi từ nhỏ Dũng chưa phải sống xa nhà lần nào. Khi con trai bước lên xe về đơn vị, cha mẹ quay lưng khóc thầm trong nỗi nhớ thương. Vậy mà giờ đến đơn vị, tôi như không tin vào mắt mình khi thấy cháu khỏe mạnh, chững chạc, trưởng thành hơn rất nhiều”.
Cùng chung đơn vị với Dũng, chiến sĩ Bùi Xuân Biên (đến từ xã Ea Nam, huyện Ea H’Leo) kể: “Khi đã vào đây, dù đến từ nhiều địa phương khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh nhưng tất cả đều sống hòa đồng thân thiết trong tình đồng chí, đồng đội, coi nhau như anh em ruột thịt. Vào những giờ nghỉ, ngày nghỉ, chúng tôi lại quây quần bên nhau cùng nhỏ to trò chuyện để vừa vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, vừa hiểu nhau nhiều hơn”. Với mong muốn được ở lại phục vụ trong môi trường quân đội lâu dài, Biên luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị giao phó.
Trong 1 lần đến công tác tại Lữ đoàn Đặc công 198 (Bộ tư lệnh Đặc công) - đứng chân trên địa bàn xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc), trong giờ giải lao chúng tôi gặp chiến sĩ Trần Đức Tài (SN 1997, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma thuột) ngồi hý hoáy với từng con chữ. Hỏi ra mới biết, em đang viết “Nhật ký quân ngũ” và thư hỏi thăm gia đình, bố mẹ để kể về những tháng ngày được học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội. Tài là anh trai đầu trong gia đình có hai anh em. Khi vào đơn vị, dù đã xác định tư tưởng từ trước và rất quyết tâm nhưng nỗi nhớ gia đình, người thân vẫn luôn hiện diện trong tâm trí em. Được đồng đội và chỉ huy động viên, quan tâm nên giờ Tài đã dần quen với nếp sống tại đơn vị. Những lúc rảnh rỗi, em thường xuyên viết thư gửi cha mẹ, người thân để vơi đi nỗi nhớ nhà…
Có thể nói môi trường quân đội giống như một trường đại học lớn, giúp người trẻ học tập, tôi luyện phẩm chất của người quân nhân cách mạng. Đây cũng chính là nền móng vững chắc cho những thành công tiếp theo của thanh niên trên đường đời.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc