Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng bộ đội Cụ Hồ

07:55, 26/07/2017

Những năm qua, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng được lực lượng vũ trang tỉnh chăm lo thực hiện bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa.

Từ ngày Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lắk nhận phụng dưỡng, căn nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam Anh hùng H’Năr Ông (SN 1925, xã Đắk Phơi) và Mẹ Việt Nam Anh hùng H’Bai Bkrông (SN 1924, xã Ea R’bin) đông vui hẳn. Bất kể nắng mưa hay đường xa lầy lội, những người con khoác màu xanh áo lính vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc các Mẹ. Đơn cử, trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, mới đây, Đoàn công tác do Đại tá Nguyễn Thanh Xuân, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến tận nhà, ân cần thăm hỏi. Trong không gian ấm cúng, những câu chuyện vui, hài hước, nhẹ nhàng của Đoàn công tác đủ khiến lòng các Mẹ thêm yên vui.

Dù chân yếu, sức khỏe kém dần theo năm tháng, nhưng đón các con vào nhà, Mẹ H’Năr Ông vẫn thường trực nụ cười trên môi. Mẹ H’Năr Ông có chồng và con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Nén nỗi đau vào trong, Mẹ tiếp tục khuyên răn các con phát huy truyền thống gia đình. Ghi nhận sự cống hiến, hy sinh của gia đình Mẹ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, năm 2014, Mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cũng từ năm này, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lắk nhận phụng dưỡng Mẹ với số tiền 500 nghìn đồng/tháng; ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ thêm ngày công lao động, thu hoạch mùa màng…

Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng H’Năr Ông.
Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng H’Năr Ông.

Nói đến những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, chị H’Săl Ông (người con hiện đang chăm sóc Mẹ) không giấu được niềm vui: Các chú bộ đội chân tình, tốt bụng lắm. Có lần đến thăm Mẹ, thấy sân nhà ẩm ướt, trơn trượt, các chú đã chủ động mua vật liệu rồi cùng nhau làm. Có sân nhà mới, gia đình rất vui, cảm động lắm.

Không chỉ hỗ trợ sửa sang nhà cửa, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lắk còn thường xuyên mua sắm các vật dụng thiết yếu trong gia đình để Mẹ được yên vui tuổi già. Thượng tá Nguyễn Văn Thanh, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lắk tâm niệm: “Chỉ cần Mẹ sống lâu, vui khỏe đó mới là món quà lớn mà đơn vị có được”…

Cũng như Mẹ H’Năr, đón các con vào nhà, Mẹ Việt Nam Anh hùng H’Bai Bkrông bịn rịn nắm tay chuyện trò. Mẹ H’Bai có con gái và con rể hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 2014, Mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hiện Mẹ sống cùng con gái là H’Lem Bkrông tại thôn 4 (xã Ea R’bin). Cuộc sống gia đình tuy vất vả, khó khăn, nhưng bù lại, Mẹ luôn nhận được nguồn động viên tinh thần rất lớn từ những người con của mình.

Lắng nghe sự sẻ chia của gia đình Mẹ và cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lắk mới biết thêm: dù khoảng cách địa lý hơn 60 km, nhưng không làm vơi đi trách nhiệm thiêng liêng của những người lính Cụ Hồ giành cho Mẹ. Ngoài hỗ trợ tiền mặt hằng tháng, đơn vị còn thường xuyên đến thăm, hỗ trợ gia đình Mẹ các vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt.

Chị H’Lem Bkrông cảm động: “Sự sẻ chia giúp đỡ của bộ đội, các cơ quan, ban, ngành là động lực lớn giúp Mẹ và gia đình vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Tấm lòng tri ân ấy thật khó đo đếm được, gia đình sẽ cố gắng sống thật xứng đáng với sự quan tâm của mọi người”. 

Không riêng các Mẹ nói trên, hiện nay, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang nhận phụng dưỡng 13 Mẹ Việt Nam Anh hùng với số tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tháng. Với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đó không đơn thuần là sự tri ân, mà còn là trách nhiệm thiêng liêng của thế hệ hôm nay đối với những người đã không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.