Multimedia Đọc Báo in

Chuyện tình người lính

15:57, 29/12/2017
Đến với nhau bằng tình yêu chân thành và kiên trì vượt qua những khó khăn vất vả trong cuộc sống, Thiếu tá Nông Văn Thêm (Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ea Súp) và chị Đàm Thị Biên (Cán bộ Văn phòng UBND xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) đã viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu người lính.

Trước đây Thiếu tá Nông Văn Thêm (SN 1972) công tác tại Lữ đoàn Công binh 575 ( thuộc Quân khu 1, đóng quân ở tỉnh Thái Nguyên). Là lính công binh thời bình nhưng các anh vẫn luôn phải di chuyển, triền miên xa nhà để rà phá bom mìn, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Trong một lần đến địa bàn xã Trường Hà (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) nhận nhiệm vụ rà phá bom, mìn giúp nhân dân mở rộng diện tích sản xuất, anh đã làm quen và đem lòng yêu thương cô gái làng Đàm Thị Biên (SN 1978).  Dù đôi bên gia đình phản đối vì e ngại đời lính nay đây mai đó thì tình yêu khó bền chặt, nhưng hai anh chị vẫn một lòng ước hẹn. Không lâu sau, chị Biên theo gia đình vào Đắk Lắk lập nghiệp. Khoảng cách xa xôi không làm anh chị nản chí mà lại càng quyết tâm vun đắp tình yêu. Cứ thế, kẻ Bắc người Nam chỉ trao đổi thông tin cho nhau bằng những lá thư tay (đây là phương tiện thông tin duy nhất lúc đó chứ chưa có điện thoại di động như bây giờ) đằng đẵng 10 năm trời. Cho đến năm 2006, một mình anh lặn lội từ tỉnh Thái Nguyên vào tận Ea Súp (Đắk Lắk) xin gia đình chị Biên cho tổ chức đám cưới trong sự ngỡ ngàng xen lẫn cảm phục của đôi bên...

Vợ chồng anh Thêm, chị Biên trong một lần giao lưu trên sóng truyền hình.
Vợ chồng anh Thêm, chị Biên trong một lần giao lưu trên sóng truyền hình.

Sau ngày cưới chưa được bao lâu anh Thêm lại phải lên đường trở lại đơn vị làm nhiệm vụ, “gửi” vợ lại cho ông bà ngoại chăm sóc. Ít tháng sau, vợ báo tin vui, anh vui mừng khôn xiết nhưng do bận công tác không thể về thăm mà chỉ động viên, an ủi vợ bằng những cuộc điện thoại, dòng tin nhắn. Chị Biên kể: “Theo phong tục của dân tộc Thái, con gái đến ngày sinh con không được ở trong nhà bố mẹ đẻ. Bởi vậy, trước lúc sinh khoảng một tháng, ông bà ngoại thuê người dân dựng cho hai mẹ con một cái nhà nhỏ bằng gỗ gần nhà bố mẹ. Lúc mang thai hay cả khi sinh nở anh ấy vẫn đi biền biệt, đến khi con được hơn 4 tháng mới lần đầu tiên về thăm. Khi chị sinh đứa con thứ hai, anh cũng bận công tác mà không có mặt bên cạnh. Nhiều lúc cũng thấy tủi thân nhưng vì hiểu đặc thù công việc của chồng nên không trách cứ gì, chỉ mong chồng yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ của người lính”.

Vợ chồng anh Thêm, chị Biên với cháu gái thứ 2 trong ngôi nhà nhỏ.
Vợ chồng anh Thêm, chị Biên với cháu gái thứ 2 trong ngôi nhà nhỏ.

Năm 2009, anh Thêm chuyển công tác vào Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ea Súp, sum họp cả nhà sau nhiều năm xa cách biền biệt. Cuộc sống đời thường tuy còn nhiều khó khăn, nhưng căn nhà nhỏ gần trung tâm xã Cư Kbang vẫn ngập tràn hạnh phúc trong sự yêu thương quan tâm lẫn nhau của mọi thành viên trong gia đình. Hàng năm cả nhà lại thu xếp thời gian về thăm bên nội ở tỉnh Cao Bằng. Chị Biên là cô con dâu đảm đang, tháo vát, khéo léo nên được gia đình nhà chồng quý mến, thương yêu. Mặc dù đã được ở gần  nhau hơn nhưng do đặc thù công việc của người lính, anh vẫn ít khi có mặt ở nhà những dịp lễ, Tết và vợ con cũng đã quen với sự vắng mặt của anh vào thời khắc Giao thừa. Hiện nay, anh được đơn vị cử đi học lớp chính trị cấp trung - sư đoàn tại TP. Hồ Chí Minh, chị Biên lại một mình lo toan việc nhà để chồng yên  tâm công tác, vì chị đã xác định từ đầu là lấy chồng bộ đội thì phải biết hy sinh, biết chấp nhận khó khăn, vất vả…

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.