Multimedia Đọc Báo in

Quân hàm xanh "Nâng bước em đến trường"

16:00, 29/12/2017

Bằng sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh, những đứa trẻ nghèo khó đang đứng trước nguy cơ phải bỏ dở con đường học tập đã có thể yên tâm cắp sách đến trường…

Em Lang Thị Nghĩa, học sinh lớp 9B, trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Ya Lốp, huyện Ea Súp) là một trong 8 học sinh ở xã biên giới Ya Lốp được Đồn Biên phòng Ea H’leo nhận đỡ đầu. Gia đình em Nghĩa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: chị gái bị bệnh bạch cầu phải đi truyền máu hằng tháng, bố vì buồn chán không lo làm ăn, kinh tế gia đình hầu hết do một mình mẹ làm thuê làm mướn gồng gánh nên cái ăn thiếu trước hụt sau. Cảnh nhà nghèo túng khiến việc học hành của Nghĩa tưởng chừng phải lỡ dở. Rồi may mắn đã đến khi em được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo nhận đỡ đầu, ngoài phần quà là cặp sách, vở, bút, hằng tháng còn hỗ trợ em 500.000 đồng. Có lẽ, với nhiều người số tiền ấy chẳng nhiều nhặn gì, nhưng với gia đình Nghĩa nó lại thay đổi cả tương lai, giúp con đường đến trường của em bớt gập ghềnh.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ea H'leo kiểm tra kết quả học tập của em Lang Thị Luận.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ea H'leo kiểm tra kết quả học tập của em Lang Thị Luận.

Cũng như Nghĩa, em Lang Thị Luận, học sinh lớp 8C, Trường THCS Trần Hưng Đạo được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo đỡ đầu từ năm học 2016-2017. Trong ngôi nhà nhỏ tuềnh toàng, mẹ của Luận rưng rưng  nước mắt chia sẻ: Gia đình tôi quá khó khăn, không lo được cho con có điều kiện học hành như bạn bè, xót con lắm nhưng chẳng biết phải làm sao. Từ khi được các chú biên phòng hỗ trợ tiền cho cháu đi học, không chỉ giảm bớt khó khăn cho gia đình mà hơn cả là giá trị tinh thần. Việc học hành được duy trì, cháu vui lắm nên thành tích học tập cũng tốt hơn trước.

Theo Thiếu tá Vũ Văn Tín, Đội phó Đội công tác vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ea H’leo: Để chương trình phát huy được hiệu quả, ngay từ khi bắt đầu triển khai, cán bộ Đội công tác đã phối hợp với chính quyền địa phương và nhà trường rà soát, chọn lựa đúng đối tượng. Khi nhận đỡ đầu, ngoài việc cấp chi phí học tập, sinh hoạt 500.000 đồng/tháng cho mỗi trường hợp, Đội còn phân công cán bộ, chiến sĩ kết hợp với gia đình, nhà trường, nhất là giáo viên chủ nhiệm động viên, hướng dẫn các em trong học tập, rèn luyện, qua đó, các em đã có ý thức tự giác vươn lên, chuyên cần hơn trong học tập.

 
“Qua Chương trình Nâng bước em đến trường, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã hỗ trợ kinh phí 240 triệu đồng, tặng dụng cụ học tập gần 29 triệu đồng, tặng 96 xe đạp trị giá khoảng 58 triệu đồng cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các xã biên giới của tỉnh”. 
 
Đại tá Phạm Quang Hùng Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Không chỉ riêng học sinh khó khăn trên địa bàn xã biên giới Ya Lốp, trong 2 năm học vừa qua, 40 học sinh các cấp đang sinh sống ở các xã biên giới của huyện Ea Súp, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận hỗ trợ, đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em đến trường”. Chương trình do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động và được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai từ năm học 2016-2017, mang ý nghĩa chính trị và nhân văn, góp phần làm tốt hơn công tác vận động nhân dân quan tâm giáo dục con em mình, khơi dậy khát vọng học tập, ý thức tự giác vươn lên của học sinh, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ biên phòng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đóng quân. Thông qua những hỗ trợ thiết thực của Chương trình, năm học vừa qua đã có 9/40 cháu chuyển từ học lực trung bình lên khá, 13/40 cháu từ yếu lên hạnh kiểm tốt, có học lực trung bình và khá.

Được biết, để Chương trình “Nâng bước em đến trường” đạt được hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, ngoài việc trích tiền lương của cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ hằng tháng mỗi cháu 500.000 đồng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ  tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể chính trị xã hội phối hợp quan tâm chăm lo, theo dõi giúp đỡ và hỗ trợ dụng cụ học tập kịp thời cho các em.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.