Multimedia Đọc Báo in

Vì bình yên cuộc sống

07:58, 03/01/2018

Bom mìn, vật nổ thời hậu chiến đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống nhân dân. Chính vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh được Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.

Nỗi đau còn lại

Hơn 26 năm về trước, ông Nguyễn Văn Hòa (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) vô tình dẫm phải bom khi lên rẫy khiến đôi chân bị tàn phế, cơ thể chằng chịt vết thương. Đến nay, dù sức khỏe có phần hồi phục, nhưng 36 mảnh bom còn nằm lại trong người vẫn liên tục hành hạ thân thể gầy yếu của người nông dân này.

Nhìn bề ngoài cô gái tuổi 23 Ngô Thị Thu Cúc (xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) ít ai biết tuổi thơ cô là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Lên 2 tuổi, Cúc theo các anh chị trong xóm đi chơi, thấy một vật hình tròn ven đường, cả nhóm tập trung xem, một người anh đưa lên ném. Chỉ tích tắc, vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra khiến người ném chết tại chỗ, 1 người khác bị tàn phế suốt đời, còn Cúc mang trong mình nhiều vết thương không thể lành.

Bom mìn đã khiến bao cuộc sống bị hủy hoại, bao cảnh đời éo le do mất người thân, bao nhiêu người phải chịu thương tật suốt đời. Đến bây giờ, cô Phạm Thị Thu Nhi (phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn không nguôi nỗi đau bởi chiến tranh đã cướp đi nhiều người trong gia đình. Đầu năm 1975, khu vực gia đình cô trú ẩn bị địch ném bom dữ dội. Chỉ trong phút chốc cô mất anh, mất em, còn bản thân phải cưa một chân, một mảnh bom khác vẫn còn nằm bên chân còn lại. Đó là chưa kể, một số người thân khác bị hỏng mắt, bị thương ở đầu…

Các loại bom mìn, vật nổ được trưng bày trong chương trình
Các loại bom mìn, vật nổ được trưng bày trong chương trình "Vì bình yên cuộc sống".

Trên đây chỉ là 3 trong số 20 nhân chứng sống, mang nặng nỗi đau do bom mìn, được Bộ Tư lệnh Công binh, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam và UBND tỉnh mời đến tham dự chương trình “Vì bình yên cuộc sống” vừa được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 12.700 ha bị ô nhiễm bom mìn và nằm ở khắp các địa phương. Sau 5 năm triển khai dự án rà soát bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, số diện tích được rà soát trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt 3,9% so với tổng diện tích cần rà soát. Điều đó có nghĩa rằng số lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh là rất lớn và tai nạn bom mìn vẫn sẽ rình rập, đe dọa tính mạng, cuộc sống của nhân dân.

Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn

Tại chương trình “Vì bình yên cuộc sống”, UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh Công binh đã phối hợp với Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam trao 20 suất quà, mỗi suất trị giá 12 triệu đồng tặng các nạn nhân bị thương tật do bom mìn, vật nổ sau chiến tranh nhằm giúp họ dịu bớt nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, từng bước vượt qua khó khăn.

Trong dịp này, các đơn vị cũng đã tổ chức giao lưu văn nghệ; trưng bày trên 120 hiện vật, hình ảnh bom mìn, vật nổ sau chiến tranh để người dân hiểu hơn về thực trạng, nỗi đau do bom mìn để lại, cũng như những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Quân đội trong công tác khắc phục hậu quả nặng nề này. Cùng với đó, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền lưu động đến các vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng ở địa phương, thu hút đông đảo người dân, học sinh tham dự.

Ban tổ chức chương trình “Vì bình yên cuộc sống” trao quà tặng các nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.
Ban tổ chức chương trình “Vì bình yên cuộc sống” trao quà tặng các nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.

Thiếu tướng Phùng Ngọc Sơn, Tư lệnh Binh chủng Công binh, Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia cho biết, nhờ thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền cả trong và ngoài nước, nên không chỉ nhân dân, mà bạn bè quốc tế đã hiểu hơn về thực trạng, hậu quả ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam, tính cấp thiết của việc thực hiện chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất hóa học sau chiến tranh và sẵn sàng ủng hộ.

Qua chuỗi hoạt động này, thông điệp về trách nhiệm của cộng đồng xã hội sẽ tiếp tục được truyền đi để tất cả mọi gia đình, mọi tầng lớp nhân dân thực hiện một cách nghiêm túc, cùng khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ, làm “sạch” những vùng đất chết, giữ lấy sự bình yên cuộc sống . 

Khi gặp bom mìn và các vật liệu chưa nổ, người dân cần thực hiện những việc sau: Báo ngay cho các cấp chính quyền, lực lượng chuyên môn có kỹ thuật để xử lý; tuyệt đối không va chạm, di chuyển, ném đá sỏi vào bom mìn, vật nổ; quây hàng rào chắn và cắm biển báo có bom mìn còn sót lại; không đến gần nơi có bom mìn, không tự ý xê dịch vị trí biển báo có bom mìn; không tìm kiếm, thu nhặt bom mìn, đầu đạn còn sót lại để bán phế liệu; không chăn trâu, thả bò, kiếm củi nơi có bom mìn còn sót lại.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.